Qua giám sát thực tế tại một số trường PTDTBT Tiểu học và PTDTBT THCS trên địa bàn các huyện Nậm Pồ, Điện Biên và Điện Biên Đông cho thấy: các trường đã thực hiện nghiêm túc chế độ hỗ trợ cho học sinh theo quy định tại Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể: Khoảng cách học sinh không thể đi đến trường và trở về được trong ngày: Nhà ở xa trường từ 04 km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 07 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở và từ 10 km trở lên đối với học sinh trung học phổ thông. Trong điều kiện địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (qua sông suối không có cầu; qua đèo, dốc cao; qua vùng sạt, lở đất đá) nhà ở xa trường khoảng cách từ 2 km đến dưới 4 km đối với học sinh tiểu học, từ 4 km đến dưới 7 km đối với học sinh trung học cơ sở, từ 7 km đến dưới 10 km đối với học sinh trung học phổ thông. Địa bàn nơi học sinh cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú; nơi có trường học sinh theo học là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; xã khu vực III; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi được cơ quan có thẩm quyền quy định. Học sinh đảm bảo các điều kiện trên được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 15kg gạo/tháng và hỗ trợ 10% mức lương cơ sở đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở do nhà trường không bố trí được chỗ ở trong trường. Riêng các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh được hỗ trợ 135% mức lương cơ sở /tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm 1 lần định mức, nhưng không quá 5 lần định mức nêu trên/tháng và không quá 9 tháng /năm học.
Hiện nay, toàn huyện Nậm Pồ có 40 trường học, trong đó có 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, 4 trường phổ thông không phải bán trú nhưng có tổ chức nấu ăn cho học sinh; có 7.360/19.679 học sinh toàn huyện được hưởng chế độ bán trú; trong 3 năm (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020) toàn huyện có 41.796 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, gạo và 17.725 lượt học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở; tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 năm là 123.839 triệu đồng. Huyện Điện Biên có 69 trường, trong đó có 11 trường PTDT bán trú và 7 trường có học sinh bán trú; năm học 2017-2018 có 6.578 lượt học sinh, năm học 2018 -2019 có 7.032 lượt học sinh, năm học 2019-2020 là 6.670 lượt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ; tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 năm học là 60.218 triệu đồng. Huyện Điện Biên Đông với 29 trường PTTHBT/57 trường toàn huyện, trong đó có 17 trường PTDTBT Tiểu học, 12 trường PTDTBT THCS; năm học 2017-2018 có 11.992 lượt học sinh, năm học 2018-2019 có 13.117 lượt học sinh, năm học 2019-2020 có 14.587 lượt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ; tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 năm là 206.400 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới có cơ hội được học tập, rèn luyện, chính sách hỗ trợ đã tiếp sức, giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vững tin hơn trên con đường học tập.
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Vừ Thị Liên đề nghị các cấp ủy chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp với các cơ sở giáo dục làm tốt hơn nữa việc hướng dẫn phụ huynh học sinh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; các cơ sở giáo dục chi trả chế độ hỗ trợ cho học sinh đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát, khảo sát ý kiến nhân dân để thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đúng chủ trương, phát huy hiệu quả. Đồng thời, thay mặt đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến kiến nghị của các đại biểu tại các buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.
Tin, ảnh: Nguyễn Dung