Đoàn ĐBQH tỉnh  

ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Cập nhật ngày 09/11/2024 13:54:47 PM - Lượt xem: 62

Sáng nay (09/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).


Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết dự thảo Luật quy định trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đại biểu, quy định này chưa rõ người lao động chỉ nộp 1% tiền lương tháng thuộc trách nhiệm đóng của người lao động hay bao gồm cả 1% thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. “Nếu người lao động chỉ đóng 1% thuộc trách nhiệm của mình thì vẫn còn phần nợ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, như vậy có thể giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được không?”, đại biểu Lò Thị Luyến nêu câu hỏi.

Về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định người lao động phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Đại biểu cho rằng việc yêu cầu nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp là bất cập và không phù hợp trong công cuộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như hiện nay. Đề nghị quy định theo hướng người lao động có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường bưu điện, qua dịch vụ công trực tuyến...

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt

Về quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật quy định danh mục đầu tư và phương thức đầu tư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2025 chỉ quy định về danh mục đầu tư và phương thức đầu tư đối với Quỹ bảo hiểm xã hội, không quy định về danh mục và phương thức đầu tư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung về danh mục và phương thức đầu tư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật. Nếu dẫn chiếu sang Luật Bảo hiểm xã hội thì cần phải chỉ rõ điều khoản được dẫn chiếu để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt thuộc Đoàn Điện Biên cho biết, dự thảo Luật quy định nhà giáo không được thuyên chuyển nếu công tác chưa đủ 03 năm tính từ thời điểm được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nhà giáo. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể là thời điểm tuyển dụng hay thời điểm bổ nhiệm chức danh nhà giáo vì hai mốc thời gian này khác nhau hoàn toàn. Người được tuyển dụng vào làm nhà giáo phải thực hiện chế độ tập sự, thử việc. Sau thời gian tập sự, thử việc nếu đáp ứng yêu cầu mới được bổ nhiệm vào chức danh nhà giáo.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, ngoài chính sách chung đối với nhà giáo thì nhà giáo làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định.

Thiếu tướng Tráng A Tủa, đại biểu Quốc hội tỉnh

Đại biểu phân tích, theo Bộ Luật lao động thì một năm có 05 ngày nghỉ lễ tết đó là: tết âm lịch, tết dương lịch, 30/4 - 1/5; giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9 và nghỉ hè (nghỉ phép). Nếu thanh toán tiền tàu xe cho giáo viên trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định thì sẽ phải chi trả 06 lần tiền tàu xe/1 năm cho 1 giáo viên.

“Đề nghị cân nhắc quy định nội dung chính sách này. Cần tính toán cụ thể mức chi phí ngân sách nhà nước cần chi bao nhiêu để triển khai, tránh trường hợp ban hành chính sách nhưng không cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện”, đại biểu Quàng Thị Nguyệt nêu ý kiến.

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo, Thiếu tướng Tráng A Tủa, ĐBQH tỉnh đề nghị bãi bỏ Chương IV quy định về Nhà giáo trong Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, đưa các điều dự kiến được sửa đổi, bổ sung tại chương này vào dự thảo Luật Nhà giáo để đảm bảo tính logic và thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về phân luồng học sinh
Cần một quy trình đơn giản trong phát hành tài liệu giáo dục địa phương
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp
Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Giao Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên