Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo vì quảng cáo không chỉ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ mà quảng cáo còn hiện hữu trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Đối với nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng thời lượng đối với những quảng cáo không ở vùng cố định phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo là quá ngắn để có thể thể hiện đầy đủ mọi thông điệp trong một nội dung quảng cáo, giảm bớt hiệu quả của việc quảng cáo. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ trên không gian mạng đang được cung cấp tới người dùng với rất nhiều tiện ích, mang lại giá trị rất lớn mà không hề thu phí sử dụng từ người dùng. Ví dụ, các dịch vụ nền tảng mạng xã hội Facebook, Viber, Zalo... Để có tiền trang trải các chi phí vận hành thường xuyên cũng như đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp sản phẩm mới cho người dùng các nền tảng này cho phép các nhãn hàng quảng cáo trên nền tảng. Do đó, để hài hoà lợi ích giữa người dùng và doanh nghiệp quảng cáo, đại biểu đề nghị có thể để thị trường tự quyết định mức thời lượng quảng cáo này hoặc nâng thời lượng quảng cáo từ 06 giây lên thành 10-15 giây.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Dự thảo Luật quy định sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam. Phó trưởng Ban Công tác đại biểu e ngại quy định này sẽ dẫn tới các khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh trong quá trình thực thi do lượng nội dung trên mạng là khổng lồ. Do đó, thay vì quy định cứng là doanh nghiệp không được đặt sản phẩm quảng cáo vào trong hoặc cạnh nội dung vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị quy định theo hướng người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải đặt sản phẩm quảng cáo ở vị trí theo quy định; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam; trong trường hợp có sản phẩm quảng cáo bị đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật hoặc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam phải gỡ bỏ sản phẩm quảng cáo khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
“Quy định như vậy sẽ mang lại sự linh hoạt trong quản lý, đảm bảo được mục tiêu của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nâng cao tính thực thi đối với các đối tượng bị điều chỉnh”, đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong dự thảo Luật chưa bao quát được đầy đủ các phương tiện quảng cáo theo quy định và chưa bao quát được các hình thức sử dụng sản phẩm để quảng cáo. Đại biểu đề nghị quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động quảng cáo trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức sử dụng, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Đối với nội dung quy định về biển hiệu, bảng quảng cáo, tại điểm b khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật quy định khi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 40 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn mới phải xin giấy phép. Như vậy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định tăng diện tích một mặt của biển hiệu, bảng quảng cáo kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn từ trên 20m2 thành trên 40m2 mới phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.
Theo đại biểu, thực tế bảng quảng cáo, biển hiệu có diện tích một mặt trên 20m2 rất lớn, được gắn tại các công trình, nhà ở riêng lẻ gây không ít lo ngại cho cộng đồng về độ an toàn của các bảng quảng cáo, biển hiệu này, nhất là trong mùa mưa bão và an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, một số bảng quảng cáo tại các nhà cao tầng đặt ở các vị trí che chắn ban công, cửa sổ cũng có thể gây cản trở quá trình thoát hiểm, cứu nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo hiện hành là khi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt để quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút. So với Luật Quảng cáo hiện hành thì quy định này đã tăng số lần ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo lên gấp 2 lần, cụ thể là nếu một phim truyện có thời lượng phát sóng khoảng 60 phút thì số lần ngắt để quảng cáo là 4 lần. Việc ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo quá nhiều, gây phiền hà cho người xem phim ở tivi, làm giảm sự hứng thú, ham muốn xem phim khi có quá nhiều các quảng cáo chen lấn.
Tham gia phát biểu ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 các vị ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình. Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung quy định Mặt trận tổ quốc Việt Nam là một đơn vị cùng với Bộ Công an, các bộ ngành thực hiện Chương trình này vì theo Điều 10 Luật Phòng, chống ma tuý thì Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tổ chức và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng, chống ma tuý.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng, chống ma tuý tại Việt Nam, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thêm một dự án thành phần quy định vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống ma tuý và tham gia vào hoạt động giáo dục cai nghiện, sau cai nghiện để huy động được thêm nguồn lực xã hội trong công tác này.
Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị bổ sung nội dung về công tác hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh với tội phạm về ma tuý trong mục tiêu giảm cung và bổ sung vào dự án số 5 nội dung ưu tiên đầu tư xây dựng khu lao động trị liệu và khu lao động sản xuất vì hiện nay nội dung này chưa được chú trọng đầu tư và cũng chưa có quy định cụ thể về tiêu chí về diện tích, ngành nghề...
Bên cạnh đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn cơ chế quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia phải như nhau để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Đối với vốn đầu tư cũng như vốn sự nghiệp của Chương trình nên phân bổ cho cả giai đoạn và các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 80% trở lên sẽ được ngân sách trung ương đảm bảo 100% kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình./.
Tin, ảnh: Mai Hồng