Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến ĐBQH tại phiên thảo luận
Quyết định số 522/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, một số cơ sở giáo dục thực hiện phân luồng cực đoan, cứng nhắc dẫn đến sự đồng thuận không cao của phụ huynh và học sinh, thậm chí một số em học sinh bế tắc, nghĩ quẩn dẫn đến tự tử... Đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định 522/QĐ-TTg để đề ra giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đồng tình với ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần phải đánh giá mức độ phù hợp của tỷ lệ phân luồng theo Quyết định 522/QĐ-TTg đến đâu vì đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào đó để chuẩn bị hệ thống cơ sở giáo dục THPT. Hiện tại, hệ thống cơ sở giáo dục THPT chỉ đáp ứng khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS trong khi nguyện vọng học tập của học sinh lớn, cộng thêm sự khác biệt vùng miền, từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề, gây căng thẳng cho các cháu trong sự lựa chọn, rất nhiều cháu chuyển sang học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện Trung tâm giáo dục thường xuyên đang gánh vác một nhiệm vụ tương tự như trường THPT nhưng với điều kiện rất khó khăn.
“Chúng ta cần tính các tỷ lệ một cách mềm dẻo, đúng thực tế hơn, theo xu thế của nguồn nhân lực trong nước và trên thế giới”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, theo số liệu thống kê 10 năm của UNESCO, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng khá trong khu vực, cao hơn hẳn mức trung bình của khu vực Đông Á và Đông Nam Á, với mức tăng trưởng từ 5,2% đến 9,2%, xấp xỉ bằng mức trung bình trung của Châu Âu và Bắc Mỹ, được giữ ổn định trong khoảng từ 17,0% đến 17,9%. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 18 đến 22 của Việt Nam học đại học chỉ đạt từ 27,9% đến xấp xỉ 30%. Như vậy chúng ta chỉ tương đương với mức bình quân của các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ: Thái Lan là 34,8%; Singapo là 54,9%; Đức 44,2%; Anh là 44,36%; Mỹ là gần 46%.
“Như vậy, mô mình tháp nhọn truyền thống lấy cơ sở đào tạo sơ cấp, trung cấp đang dần dần không còn phù hợp. Mức độ đáy của trình độ đào tạo nghề nghiệp đang dần tiệp cận đến lấy trình độ đại học làm chuẩn nên chúng ta cần tính toán ở tầm vĩ mô về cơ cấu và cả quan niệm về giáo dục nghề nghiệp và cách tiếp cận của chúng ta đối với giáo dục đại học. Quan niệm về thầy và thợ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao càng tiệm cận với nhau và rất khó phân biệt được đâu là thầy, đâu là thợ”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích.
Hiện nay, chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi trong bối cảnh nền kinh tế có tỷ trọng các doanh nghiệp FBI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.
“Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định./.
Tin, ảnh: Mai Hồng