Đồng chí Mùa Thanh Sơn, UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Xá Nhè,huyện Tủa Chùa.
Một số kết quả đạt được
Một là, công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tại các Sở, ban, ngành tỉnh: Từ năm 2021 đến ngày 30/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp Sở Tư pháp tổ chức thực hiện 12 hội nghị tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 11 xã, 01 trường PTDTNT, với trên 1.120 lượt người là lãnh đạo xã, các đoàn thể xã, cán bộ công chức xã, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín; các bậc cha, mẹ, những người trong độ tuổi kết hôn, đối tượng vị thành niên tham gia; 01 hội nghị tấp huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho 85 cán bộ, công chức làm công tác dân tộc và lãnh đạo UBND các xã đặc biệt khó khăn. Thành lập 12 câu lạc bộ giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 11 xã và 01 trường PTDTNT.
Tại các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức 2.867 cuộc truyền thông với 170.512 lượt người tham gia thuộc các huyện. Ngoài ra, các cấp, các ngành đã tích cực tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tài liệu tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi, các cuộc đối thoại, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý...
Công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Hai là, việc xây dựng, biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông kiến thức pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khoẻ sinh sản được Ban Dân tộc tỉnh quan tâm, thực hiện; đã tiến hành biên soạn 03 chuyên đề và 1.120 bộ tài liệu được cấp phát cho nhân dân.
Các huyện, thị xã, thành phố: Cung cấp 50.846 tờ rơi tuyên truyền kiến thức về Luật hôn nhân gia đình và tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt 101 pa nô, băng rôn với thông điệp hãy nói không với tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại địa bàn các huyện.
Ba là, về xây dựng mô hình điểm, mô hình chuyên đề, tính đến ngày 30/8/2023: Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập được 12 câu lạc bộ hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng. Huyện Mường Chà đã phối hợp với ngành Y tế xây dựng mô hình điểm, mô hình chuyên đề “Can thiệp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Bốn là, các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia triển khai thực hiện được quan tâm chú trọng. Từ năm 2021 đến 30/8/2023, toàn tỉnh đã tổ chức 09 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.035 cán bộ, công chức làm công tác dân tộc và lãnh đạo UBND xã, tuyên truyền viên pháp luật tham gia thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và Miền núi giai đoạn 2021-2030.
Từ những kết quả nêu trên đã cho thấy: Việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Trên cơ sở bám sát kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường. Một số địa phương đưa các quy định về phòng chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiệu quả đạt được chưa cao; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú sinh động; chưa bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Đề án. Việc giải ngân nguồn kinh phí từ tiểu dự án 2 - dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở một số huyện đạt thấp. Chưa kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp tảo hôn theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những giải pháp cơ bản
Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” trong thời gian tới, các sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; đưa nội dung triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của địa phương, đơn vị và tiến hành đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.
Xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hôn nhân và gia đình, về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, nhằm đến năm 2025 hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Bố trí nguồn ngân sách địa phương (ngoài ngân sách Trung ương) hỗ trợ thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021- 2025 để tăng cường nguồn lực, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp xây dựng biên soạn tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông liên quan về hôn nhân và gia đình cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức kiểm tra chuyên đề, đánh giá, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ ra những việc đã làm được, những việc chưa làm được của các địa phương, nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.
Các sở, ban, ngành tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện các nội dung được giao tại Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh Điện Biên; phối hợp, giúp đỡ các địa phương trong các hoạt động truyền thông, duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa. Chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các trường hợp tảo hôn, tổ chức tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định pháp luật. Tiếp tục nhân rộng mô hình điểm tại một số xã, thị trấn có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó quan tâm xây dựng mô hình điểm tại trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trường THCS, THPT trên địa bàn.
Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn./.
Mùa Thanh Sơn
UVTT, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh