Cải tiến, nâng cao chất lượng kỳ họp
Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND. Trong thời kỳ đầu HĐND chủ yếu tổ chức kỳ họp thường lệ, mỗi năm hai kỳ họp. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, theo qui định của pháp luật, ngoài kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, số lượng kỳ họp trong các nhiệm kỳ đã tăng lên. HĐND khóa VIII, nhiệm kỳ 1985 - 1989 tổ chức được 7 kỳ họp; HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 1989 - 1994 tổ chức được 14 kỳ họp; HĐND khóa XV, qua 2 năm hoạt động đã tổ chức được 10 kỳ họp. Phương thức tổ chức kỳ họp được cải tiến, giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian cho đại biểu tham gia thảo luận, chất vấn; các phiên họp khai mạc, bế mạc, thảo luận, chất vấn tại Hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi; Chủ tọa kỳ họp đã phát huy dân chủ, điều hành linh hoạt và sáng tạo, tạo không khí dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh. HĐND tỉnh khóa XV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thành công phần mềm “họp không giấy” góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh. Các Ban HĐND tỉnh đã chủ động trong hoạt động thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết, có nhiều đổi mới về cách làm và phương pháp tiếp cận. Công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau khi họp HĐND được duy trì và phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần đưa Nghị quyết của HĐND đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đổi mới trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương
Quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương là một trong những chức năng cơ bản của HĐND. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ngân sách địa phương và quyết định kế hoạch, biện pháp giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực ở địa phương như: Xóa nạn mù chữ, chống tệ nạn thuốc phiện, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, điều chỉnh địa giới hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao... Các quyết nghị của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết quy phạm pháp luật quyết định các chính sách cụ thể được văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao quy định chi tiết, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các quyết sách này đã khẳng định vai trò của HĐND tỉnh trong quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm giải quyết những công việc cấp bách, phát sinh đột xuất của tỉnh; phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Quy chế làm việc của HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bổ sung thêm hình thức làm việc của HĐND tỉnh theo phương pháp “Cho ý kiến bằng văn bản”. Hình thức làm việc này thể hiện sự linh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND tỉnh trong xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Đổi mới hình thức, phương thức giám sát
Trong các nhiệm kỳ đầu, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh chủ yếu là hình thức xem xét các báo cáo tại kỳ họp. Từ khóa IX, hoạt động giám sát của HĐND có sự đổi mới rõ nét, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề. Đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức được gần 200 cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào những vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân của tỉnh. Qua giám sát chuyên đề đã kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND.
Phát huy những kết quả hoạt động của các nhiệm kỳ trước, HĐND tỉnh khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh được tổ chức thực hiện; công tác giám sát chuyên đề được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, theo hướng hiệu quả, thực chất. Việc giám sát kiến nghị sau giám sát được thực hiện thường xuyên, nền nếp.
Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp ngày càng được nâng lên, được thực hiện một cách dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm và thẳng thắn. Nội dung chất vấn tập trung vào các lĩnh vực còn có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân, tác động lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Các phiên chất vấn tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND là nội dung quan trọng có ý nghĩa trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử. Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 11 đồng chí giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai thận trọng, nghiêm túc theo đúng quy định, có hiệu quả; góp phần nâng cao vị thế của HĐND tỉnh trong thực hiện hình thức giám sát mới.
Giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là hình thức giám sát mới được thực hiện từ HĐND tỉnh khóa XIV. Thường trực HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tổ chức 5 phiên họp giải trình gồm 7 nội dung đối với 16 ủy viên UBND tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố liên quan. Thông qua phiên giải trình Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ rõ những kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập cần khắc phục, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý, giám sát đơn khiếu nại, tố cáo
Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, từ HĐND tỉnh khóa XI đến nay đã tổ chức cho đại biểu HĐND 3 cấp cùng tiếp xúc cử tri; nội dung tiếp xúc cử tri có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; công tác giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả; chất lượng tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được chú trọng, phát huy hiệu quả. Thường trực HĐND tỉnh không chỉ tiếp nhận, chuyển đơn, mà có thể tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết đơn của công dân, nhiều vụ việc qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã được giải quyết dứt điểm, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, được cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
Trong chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, HĐND tỉnh Điện Biên đã ngày càng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trên tất cả các mặt theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động của HĐND tỉnh đi vào thực chất, có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri và Nhân dân và ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân./.
Lò Văn Phương
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh