Đại biểu Hoàng Ngọc Vinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIV 2011-2016. Ảnh LH
Giải trình những vấn đề gì? Vì sao tiếp thu vấn đề này mà không tiếp thu vấn đề kia?. Những vấn đề tiếp thu sẽ được chỉnh lý trong dự thảo nghị quyết như thế nào?. Trong bài viết này xin trao đổi một số vấn đề xung quanh việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
Thông qua nghị quyết tại kỳ họp của HĐND là một nội dung quan trọng, là giai đoạn cuối cùng quyết định kết quả của kỳ họp. Chất lượng các nghị quyết của HĐND phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý có tính chất quyết định. Vì vậy yêu cầu này được đặt ra thành một khâu không thể thiếu trong quy trình thông qua nghị quyết. Trong chương trình kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã dành thời gian cho các Ban tiến hành họp với UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các ngành liên quan thống nhất giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết để trình HĐND thông qua. Các kỳ họp trước chúng ta đã làm công việc này nhưng chưa thành quy trình.
Có 2 nội dung cần giải trình, đó là ý kiến thẩm tra của Ban được cơ quan trình tiếp thu như thế nào? Và ý kiến của đại biểu thảo luận tại kỳ họp. Thực tế sẽ xảy ra 2 trường hợp, ý kiến của Ban trong báo cáo thẩm tra được cơ quan trình (UBND) tiếp thu ở điểm nào và không tiếp thu ở điểm nào?. Trong giải trình trước HĐND cần báo cáo nội dung nào cơ quan trình tiếp thu thì sẽ chỉnh lý trong dự thảo nghị quyết. Ý kiến nào cơ quan trình không tiếp thu cần nêu rõ lý do. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương để lý giải sao "có tình có lý"... để đại biểu hiểu và quyết định theo ý kiến của Ban hay ý kiến của cơ quan trình?. Quyết định cuối cùng là của đại biểu, của Hội đồng nhân dân. Thực tế khi còn có ý kiến khác nhau, chủ tọa phải lấy biểu quyết từng loại ý kiến. Trong trường hợp này vai trò của Chủ tọa kỳ họp là rất quan trọng. Chủ tọa có thể định hướng, nêu những căn cứ pháp lý, những cơ sở thực tiễn của vấn đề để đại biểu tham khảo trước khi quyết định.
Ý kiến của đại biểu thảo luận cũng tương tự như vậy. Các Ban phải giải trình những ý kiến của đại biểu, ý kiến nào tiếp thu, ý kiến nào không tiếp thu, lý do vì sao? Trong quá trình nghiên cứu báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết để thẩm tra, các Ban cần nghiên cứu kỹ, tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn, đặt ra những tình huống có thể xảy ra để có hướng giải trình. Khi đại biểu tham gia những nội dung khó, nhạy cảm, cần giải trình, tiếp thu như thế nào cho hợp lý, để người đại biểu chấp nhận được: Nếu tiếp thu ý kiến của đại biểu thì hợp lý hơn hay không tiếp thu thì hợp lý hơn?
Một thực tế là các dự thảo nghị quyết của cơ quan trình nhiều khi còn dài, có dự thảo "bê" nguyên nội dung tờ trình. Một số dự thảo nghị quyết khi chuyển sang HĐND chưa được xem xét, chỉnh sửa kỹ, mà việc chỉnh sửa dự thảo nghị quyết thế nào là quyền của HĐND. Sau khi rút kinh nghiệm các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất với UBND tỉnh đồng thời giao cho các Ban phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình từ khâu soạn thảo, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo đến khi ban hành nghị quyết. Trong thực tế khi thẩm tra các Ban đề nghị dự thảo ngắn ngọn, trọng tâm, đề nghị bỏ phần này, phần kia thì cơ quan trình cho rằng như vậy là không đầy đủ, đề nghị giữ nguyên như dự thảo…
Để khâu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết có chất lượng, hiệu quả cần làm tốt một số nội dung sau:
1. Nghiên cứu văn bản của UBND tỉnh về việc tiếp thu ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND, tập trung vào những ý kiến mà UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên như dự thảo, nghĩa là không thống nhất với ý kiến thẩm tra của các Ban thì phải đưa ra căn cứ thuyết phục, một là đồng tình với ý kiến của UBND, hai là giữ nguyên ý kiến thẩm tra của Ban, đưa ra Hội đồng quyết định.
2. Đối với các ý kiến của đại biểu tham gia. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tiễn để giải trình; ý kiến nào hợp lý thì tiếp thu, ý kiến nào không tiếp thu. Để sau khi giải trình đại biểu thấy hợp lý và đồng thuận.
3. Tập trung giải trình những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, có khi trái ngược nhau. Mỗi ý kiến đưa ra đều có những lập luận, căn cứ, đòi hỏi khi giải trình phải cân nhắc, thận trọng, lựa chọn ý kiến phù hợp hơn để tiếp thu. Khi cần thiết trong dự thảo nghị quyết nêu 2 phương án để đại biểu lựa chọn khi biểu quyết.
4. Những ý kiến tiếp thu được chỉnh lý, bổ sung trong dự thảo nghị quyết, bổ sung nội dung nào trong dự thảo thì in đậm để đại biểu tiện theo dõi.
5. Các Ban phải ban hành văn bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết để đại biểu có căn cứ theo dõi trước khi biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Như Ngọc