Nghiên cứu - Trao đổi  

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)

Cập nhật ngày 08/06/2023 07:27:07 AM - Lượt xem: 256

Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989, Luât Tổ chức HĐND và UBND năm 1994, HĐND tỉnh đã bầu Thường trực HĐND tỉnh khóa IX, X, XI gồm Chủ tịch HĐND tỉnh, 01 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các Ủy viên thư ký. HĐND tỉnh khóa VIII có 06 Ban gồm: Ban Kinh tế - Kế hoạch – Ngân sách, Ban Biên giới, Ban Dân tộc, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa – xã hội – đời sống, Ban Thanh niên – thiếu niên – nhi đồng. HĐND tỉnh khóa IX, X,XI gồm 04 Ban gồm: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Pháp chế, Ban Dân tộc.


Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ (1985 - 1989), gồm 81 Đại biểu của 17 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 30,86%, dân tộc Mông 22,22%, dân tộc Kinh 22,22%, các dân tộc khác 24,7%; đại biểu nữ 25,62%; đại biểu có trình độ đại học 16%; đại biểu là đảng viên 77,7%. Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng lãnh đạo, khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội của tỉnh, HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục phát huy vai trò, đại diện cho cử tri và Nhân dân, quyết định đột phá trong phân phối lưu thông, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thông qua mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, bảo đảm quốc phòng, an ninh 05 năm và hàng năm tạo điều kiện để UBND tỉnh triển khai thực hiện mang lại những kết quả to lớn. Năm 1986, sản lượng lương thực cả năm đạt đạt 140.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với năm 1985. Năm 1989, sản lượng lương thực đạt 15 vạn tấn, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực của địa phương và có phần dự trữ.

Thành phố Điện Biên Phủ, nguồn Internet

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ (1989 - 1994), có 60 đại biểu của 15 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 26,67%, dân tộc  Mông 18,33%, dân tộc Kinh 20%, các dân tộc khác 35%; đại biểu nữ 16,67%. Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh khóa IX, năm 1991, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, đàn trâu tăng 2,3%, đàn bò tăng 2,7%, đàn lợn tăng 2,3% so với năm 1990. Năm 1992, đã thành lập được 07 trung tâm y tế tuyến huyện, 25 phòng khám đa khoa khu vực, 40 trạm y tế xã. HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành 06 nghị quyết chuyên đề về các vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách, thiết thực đối với đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: "Cấm trồng, cấm hút, cấm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc phiện"; "Dân số kế hoạch hóa gia đình"; "Xây dựng quỹ phòng chống lũ lụt của địa phương"; "Phân vạch ranh giới các đơn vị hành chính thuộc thị xã Điện Biên Phủ"; "Mục tiêu, biện pháp về phổ cập giáo dục tiểu học"; "Nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang", được nhân dân đồng tình thực hiện. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh khóa IX đã có bước tiến bộ rõ nét. Các Ban HĐND tỉnh bước đầu đã triển khai các hoạt động giám sát theo quy định.

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ (1994 - 1999), gồm 45 đại biểu, trong đó đại biểu dân tộc Thái 26,67%, dân tộc Mông 20%, dân tộc Kinh 17,78%, đại biểu các dân tộc khác 35,56%; đại biểu nữ 24,44%; đại biểu là đảng viên 75,56%; đại biểu có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học 28,89%, trung cấp 22,22%, sơ cấp 6,67%; trình độ lý luận cao cấp 31,11%, trung cấp 6,67%, sơ cấp 2,22%. Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh khóa X, năm 1999, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3% so với năm 1998, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 175 ngàn tấn, trồng mới 250 han chè, 100 ha cà phê; giao đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 28 xã, giao đất, giao rừng cho 32 xã; xóa mù chữ 20.000 người và phổ cập tiểu học 40 xã; chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện và cai nghiện cho 2.000 người nghiện thuốc phiện, ma túy. HĐND tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết về thực hiện xóa đói, giảm nghèo đến năm 2000. Đến năm 1997, toàn tỉnh đã có 32 xã thực hiện điểm xóa đói, giảm nghèo. Năm 1999, giảm tỷ lệ đói nghèo 5% so với năm 1998. Hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, việc theo dõi giải quyết các kiến nghị của Ban với các ngành, huyện còn hạn chế.

Hội đồng nhân tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ (1999 - 2004), có 49 đại biểu của 15 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 26,53%, dân tộc  Mông 22,45%, dân tộc Kinh 20,4%, đại biểu các dân tộc khác 30,61%; đại biểu nữ 28,57%; đại biểu là đảng viên 73,47%; trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học 53,06%, trung cấp 18,36%; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 51,02%, Trung cấp 16,32%, Sơ cấp 8,16%. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, sau ba đợt xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2000, toàn tỉnh có 35.658 người được công nhận xóa mù chữ, đạt 94,7%, có 94/154 xã, phường, thị trấn hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến năm 2003, Chương trình 135 đã tiến hành xây dựng 997 công trình hạ tầng cơ sở tại 120 xã. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã ban hành 52 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực kinh tế - xã hội, 06 nghị quyết về đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính như: chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, nâng cấp thị xã Điện Biên Phủ lên thành phố. HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh khóa XI đã quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức được 32 đợt giám sát chuyên đề. HĐND tỉnh đã xuất bản ấn phẩm “Thông tin HĐND tỉnh Lai Châu” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi nghiệp vụ hoạt động đại biểu, tổ chức giao ban Thường trực HĐND các cấp với nội dung thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Các tổ đại biểu có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn tổ chức tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND tỉnh. Công tác tiếp xúc cử tri đã đổi mới cả về nội dung và phương thưc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều tổ đại biểu đã tổng hợp và phản ánh được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri với các cấp, các ngành./.

Cát Tường

 

 


Tin liên quan
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN