Nghiên cứu - Trao đổi  

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)

Cập nhật ngày 09/06/2023 09:37:59 AM - Lượt xem: 256

Tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003, về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Tỉnh Lai Châu được chia tách thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên. Sau khi chia tách, tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh Điện Biên được kiện toàn và tăng cường. HĐND tỉnh khóa XII có Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, 01 Phó Chủ tịch HĐND và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. Khoá XIII, XIV, Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, 02 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh và 04 Trưởng Ban. Khoá XV, Thường trực HĐND tỉnh khóa XV gồm: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 04 Trưởng Ban. HĐND tỉnh khóa XII- XV có 04 Ban gồm: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa – xã hội, Ban Pháp chế, Ban Dân tộc. Chất lượng đại biểu HĐND tỉnh ngày càng được nâng cao.


Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XII, nhiệm kỳ (2004 - 2011), gồm 50 đại biểu, trong đó đại biểu dân tộc Thái 28%, dân tộc Mông 20%, dân tộc Kinh 30%, đại biểu các dân tộc khác 22%; đại biểu là đảng viên 88%; đại biểu nữ 26%; Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được nâng cao, đại biểu có trình độ chuyên môn là Cao đẳng, Đại học 70%, Trung cấp 22%; trình độ lý luận chính trị Cao cấp 66%, Trung cấp 6%, Sơ cấp 8%. Trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XII tiến hành 20 kỳ họp, ban hành 219 Nghị quyết. Nhiều Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã có tác động tích cực làm chuyển biến mạnh mẽ và tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có những Nghị quyết tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; Chính sách trong phát triển nông, lâm nghiệp; thực hiện đề án tăng vụ trên đất ruộng một vụ; đề án sản xuất hàng hóa tập trung và nguồn hàng xuất khẩu trong nông - lâm nghiệp. Hoạt động giám sát được thực hiện đa dạng qua nhiều hình thức. Thông qua hoạt động giám sát đã kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể để cơ quan nhà nước các cấp xử lý kịp thời những vướng mắc, điều chỉnh những bất cập trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp kiến nghị của cử tri,…

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ (2011 - 2016), gồm  50 đại biểu của 13 dân tộc, trong đó: đại biểu dân tộc Thái 26%, dân tộc Mông 22%, dân tộc Kinh 32%, đại biểu các dân tộc khác 20%; đại biểu là Đảng viên 92%; đại biểu nữ 24%; đại biểu có trình độ chuyên môn đại học trở lên 80%; trình độ lý luận chính trị Cao cấp và Cử nhân 78%. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII đã tổ chức 16 kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thể chế hóa các nghị quyết chuyên đề về kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng; thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, quy hoạch phát triển đô thị; quyết định nhiều chính sách cụ thể trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, đào tạo, chính sách an sinh xã hội,... Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh khóa XIII có nhiều cải tiến, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước khắc phục được tính hình thức trong giám sát. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh đã đi vào nền nếp và chất lượng ngày càng cao. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri được quan tâm, chuẩn bị chu đáo, phù hợp với địa bàn, đối tượng được tiếp xúc. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Trong ba năm 2011 -2013, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 24 buổi tiếp công dân với 36 lượt người, tiếp nhận và xử lý166 đơn (15 đơn khiếu nại, 18 đơn tố cáo, 133 kiến  nghị, phản ánh).

Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ (2016 - 2021), gồm 51 đại biểu của 19 dân tộc, trong đó: đại biểu dân tộc Thái 22%, dân tộc Mông 22%, dân tộc Kinh 45%, đại biểu các dân tộc khác 11%; đại biểu là đảng viên 92%; đại biểu là nữ 29,41%; đại biểu có trình độ chuyên môn Đại học trở lên 94%; trình độ lý luận chính trị Cao cấp và Cử nhân 92%. Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV đã tổ chức 16 kỳ họp, ban hành 255 nghị quyết, trong đó 67 nghị quyết quy phạm pháp luật, 188 nghị quyết cá biệt quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 40 cuộc giám sát chuyên đề. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương thức thực hiện, chất lượng và hiệu quả giám sát từng bước được nâng lên; mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh có từ 3 - 5 chất vấn của đại biểu. HĐND tỉnh khóa XIV đã tổ chức 426 cuộc TXCT cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trên địa bàn 100% xã, phường, thị trấn và phần lớn ở các thôn bản tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có một số cuộc TXCT được tổ chức lồng ghép ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), tiếp nhận 4.272 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tiếp 116 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị. Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận, phân loại và xử lý 565 đơn. Qua nghiên cứu, xem xét đơn thư nhận được, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 108 đơn đủ điều kiện đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, đồng thời đôn đốc việc trả lời, giải quyết của các ngành, các đơn vị liên quan;  tổ chức một số đợt giám sát việc giải quyết đơn của công dân.

HĐND tỉnh khoá XV (nhiệm kỳ 2021- 2026) có 52 đại biểu, trong đó, trình độ chuyên môn: sau đại học 59,62%, đại học 36,54%, cao đẳng, trung cấp 3,84%; trình độ lý luận chính trị: cử nhân 9,62%, cao cấp: 73,08%, trung cấp 3,85%, chưa qua đào tạo 13,45%; đại biểu là đảng viên 88,46%, là phụ nữ 34,62%, là người dân tộc thiểu số 57,69%; đại biểu trẻ tuổi 21,15%. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh khóa XV đã tổ chức thành công 10 kỳ họp (04 kỳ họp thường lệ, 06 kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất), đã ban hành 175 Nghị quyết, trong đó có 38 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XV đã tổ chức giám sát 14 chuyên đề; qua giám sát đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, giải quyết trên 150 kiến nghị. Hoạt động giám sát được đổi mới về phương thức; kiến nghị sau giám sát cụ thể rõ ràng, rõ việc, rõ trách nhiệm; việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan hữu quan giải quyết các kiến nghị sau giám sát được HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh quan tâm đã góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ giám sát được đảm bảo theo quy định. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh được tổ chức thực hiện. Hoạt động tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh được đổi mới theo hướng hiệu quả, thực chất; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện thường xuyên, nền nếp. Công tác tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện và đạt kết quả cao. Hàng năm, HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND hai cấp tỉnh – huyện, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử./.

 Cát Tường

 


Tin liên quan
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh