Nghiên cứu - Trao đổi  

Xuống với dân bằng cái tâm sáng

Cập nhật ngày 24/05/2023 09:27:20 AM - Lượt xem: 256

Tôi được biết bà Mùa Thị Mỷ sau khi tham gia Quốc hội khóa IX, sang Khóa X bà là người tự ứng cử và trúng cử, một câu chất vấn ai cũng nhớ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa X: “Chính phủ có làm thủy điện Sơn La hay không thì bảo với dân”. Cũng như khi bà tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ Luật dân sự với câu chuyện tranh chấp con trâu ở quê hương bà.


Là đại biểu Quốc hội 2 khóa, đại biểu HĐND tỉnh 5 khóa (4,8,9,10,11) Nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XI (1999-2004) bà là phó Trưởng Ban chuyên trách Ban VH-XH của HĐND tỉnh, bà đến với dân nhiều, có lần bà đi bộ hàng tháng khắp các xã huyện Mường Tè để tìm hiểu cuộc sống của những người dân vùng xa xôi hẻo lánh. Vì thế, những ý kiến phát biểu của bà trên nghị trường Quốc hội, hay tại kỳ họp HĐND tỉnh, không văn hoa to tát nhưng đầy hơi thở của đời sống và tạo ấn tượng. Cách nói hóm hỉnh và đậm bản sắc văn hóa Mông đã khiến bà có “thương hiệu” trên các diễn đàn.

Khi nói về sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ chiến sỹ trong vụ án ma túy Vũ Xuân Trường ở Điện Biên những năm 90 của thế kỷ trước, tại diễn đàn Quốc hội bà nói: người Mông chúng tôi có câu nói “thịt thối lấy muối ướp, muối thối thì lấy gì ướp”.

Bà Mùa Thị Mỷ giao lưu, trao đổi với cử tri, nhân dân, Ảnh.TG

Khi mới về công tác tại Văn phòng HĐND-UBND tỉnh Lai Châu (cũ), tôi được phân công giúp việc Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh “về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2003” chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI. Nói là Đoàn nhưng đến phút chót chỉ có một mình Phó Ban chuyên trách Mùa Thị Mỷ và cán bộ Văn phòng tham gia giúp việc phục vụ, các thành viên kiêm nhiệm không tham gia được, vì phải tập trung chuẩn bị cho nội dung chia tách tỉnh năm 2004. Tôi báo cáo và mạnh dạn nêu ý kiến với bà: “Đoàn ít người quá, khi đánh giá cháu e đại biểu cho là khó khách quan”. Bà nói: “Cứ đi, mình xuống với dân bằng cái tâm sáng, nói được tiếng nói của dân, tự nó đã khách quan rồi”.

Theo kế hoạch Đoàn đi Điện Biên Đông, là huyện chia tách thành lập mới, lúc này Điện Biên Đông rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo trên 90%, đội ngũ cán bộ cơ sở non yếu, tình trạng truyền đạo trái phép, nạn nghiện hút ma tuý trong cộng đồng phức tạp.

Đến huyện lúc 5h chiều, chúng tôi được bố trí ngủ tại các phòng ở của cán bộ huyện, còn anh em dồn lại ngủ chung. 6h hôm sau, chúng tôi xuống xã Pú Nhi. Đường xấu chỉ có gần 60km mà đi hết 3 tiếng đồng hồ. Trụ sở xã vẫn vắng teo. Kế hoạch, lịch giám sát gửi trước hàng tháng, nhưng cán bộ xã “quên”. Bà Mỷ bảo tôi: “Cháu ra mua ít kẹo, bánh, thuốc lào, ta đi xuống dân trước”, tôi bảo: “cán bộ xã đến họ phải chờ”. Bà cười tươi: “Cháu yên tâm đi, ít nhất 2 tiếng nữa họ mới đến đủ”.

Tôi lẽo đẽo theo bà, bà không vào bản mà đi thẳng ra cánh đồng. Tôi thắc mắc “Cô ơi, gặp dân thì phải đến bản chứ?”, bà nói: “mùa thu hoạch, giờ này vào bản chỉ gặp trẻ con và người già thôi”.

Nghe tin, đại biểu Mùa Thị Mỷ đến thăm. Bà con trên cánh đồng tụ tập đến khá đông. Mời bà con kẹo bánh xong, bà bảo: “tôi muốn tìm hiểu đời sống của bà con, đề nghị bà con có nguyện vọng kiến nghị gì thì trao đổi. Nếu ai biết tiếng phổ thông thì nói tiếng phổ thông để cháu Thành dễ ghi chép”. Quá trình thực hiện, trao đổi với dân hơn 1 tiếng đồng hồ. Chúng tôi quay trở lại trạm xá xã, nơi đang tập trung người cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Bà tặng quà và ân cần nói chuyện, hỏi han từng người. Bà nói bằng tiếng Mông nên tôi không hiểu, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của những người nghiện tôi thấy họ xúc động.

Quay lại trụ sở xã, bà buồn và nói với tôi: Kiểu cai nghiện này không hiệu quả “bắt cóc, bỏ đĩa” lãng phí tiền của Nhà nước.

Hơn 11h các thành phần lãnh đạo xã, trưởng bản mới đến đông đủ cuộc làm việc bắt đầu. Do xã không xây dựng báo cáo bằng văn bản, nên đành báo cáo bằng miệng. Bà Mỷ định hướng cụ thể từng nội dung, do nắm trước được thông tin nên những vấn đề bà đặt ra, đề nghị làm rõ khiến lãnh đạo xã lúng túng “toát mồ hôi”. Trong đó bà chỉ rõ những việc cụ thể như cấp cho không dầu hỏa, muối ăn, vải mặc đến đồng bào chậm và không đúng định lượng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, việc bình xét hộ nghèo, việc vận động trẻ em đến lớp; việc tổ chức sản xuất… của lãnh đạo đối với dân còn thiếu trách nhiệm. Bà nói: “tôi cũng là người Mông, tôi hiểu nếu chúng ta làm việc như thế thì đồng bào bao giờ mới hết khổ. Cán bộ phải thương dân như chính người thân của mình thì dân mới tin”.

Tại phiên thảo luận kỳ họp cuối năm 2003, khi tham gia vào báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, bà đã đưa những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân qua đợt giám sát đề nghị UBND tỉnh có giải pháp giải quyết. Trong đó, bà kiến nghị bỏ hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng và tăng cường cai nghiện ma túy tập trung.

Không được làm việc với bà Mỷ nhiều, vì sau đó mấy tháng bà nghỉ hưu. Nhưng trong tôi luôn in đậm hình ảnh một người phụ nữ nhanh nhẹn, hóm hỉnh, hài hước và hết mình với dân./.

Trần Thành

Nguyên chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh

 

 


Tin liên quan
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Báo cáo của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân