Nghiên cứu - Trao đổi  

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân

Cập nhật ngày 22/02/2023 09:10:18 AM - Lượt xem: 256

Thực hiện chương trình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh năm 2022, trong tháng 11/2022, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giám sát tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp hợp đánh giá một số kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế như sau:


Đồng chí Lò Văn Phương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh

UBND tỉnh đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo

          Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 về việc phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và phê duyệt, thông qua Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022, tỉnh Điện Biên; Thông báo số 433-TB/TU ngày 11/02/2022 thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh; Công văn số 478/UBND-TH ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh Điện Biên về việc triển khai thực hiện Thông báo số 433-TB/TU, UBND tỉnh đã chủ động thực hiện phân bổ kế hoạch vốn cho các Chủ đầu tư để có cơ sở triển khai thực hiện dự án ngay từ đầu năm (không bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia). Công tác bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phù hợp với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tỉnh. UBND tỉnh đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện và quản lý vốn đầu tư công, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa các dự án để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện do đó các dự án triển khai trong năm 2022 cơ bản bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Kết quả giải ngân vốn đến 31/10/2022 cơ bản đạt kế hoạch đề ra

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đến 31/10/2022: 1.446.782 triệu đồng, đạt 40,71% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 32,82% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao).

Nhìn chung, đa số các chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án; đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, cơ bản đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công; tăng cường giám sát các nhà thầu thi công, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh và xử lý đối với các nhà thầu thi công vi phạm, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Qua giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo, cơ bản các dự án đảm bảo tiến độ, trong đó có một số dự án vượt tiến độ được phê duyệt; các chủ đầu tư đã chủ động rà soát tiến độ, khối lượng thực hiện dự án để đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, các dự án hết nhu cầu giải ngân, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 1986/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2022, và trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 để đáp ứng tiến độ dự án và đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022,…

Tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện

         Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế của một số dự án, như: thời gian thực hiện đến năm 2022, thi công chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian thực hiện nhiều lần, dư ứng còn nhiều; thời gian thực hiện những năm sau nhưng thi công chậm tiến độ nên dư ứng còn lớn, chưa có khối lượng hoàn thành để hoàn ứng, làm chậm tiến độ chung của các dự án, đã phải điều chuyển vốn, có khả năng phải kéo dài kế hoạch vốn sang năm sau; chậm triển khai thủ tục đầu tư, đặc biệt khâu lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng; dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ của ngân sách Trung ương đối ứng do đó triển khai thủ tục đầu tư còn chậm; dự án đã thi công xong đảm bảo tiến độ nhưng chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án, nhà thầu chưa chủ động phối hợp để hoàn thiện hồ sơ hoàn công, thanh toán khối lượng và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng; một số dự án do nguồn vốn hạn hẹp nên phê duyệt có thiết kế chưa đáp ứng mục tiêu đầu tư, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

         Một số chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu yếu về năng lực thi công, khả năng tài chính, dẫn đến dự án chậm tiến độ, có một số hợp phần của dự án chưa triển khai thực hiện.

         Việc bố trí vốn cho một số dự án còn dàn trải chưa gắn với tiến độ, khả năng triển khai dự án, cụ thể: một số dự án có tổng mức đầu tư thấp, ít hạng mục, địa điểm xây dựng tập trung, có khả năng sớm hoàn thành, thời gian thi công ngắn, nhưng bố trí vốn trong 3 năm nên không đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ triển khai dự án. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, hạng mục đầu tư yêu cầu kỹ thuật cao, địa điểm xây dựng không tập trung, vướng mắc nhiều đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quy hoạch ba loại rừng, năm đầu ít có khả năng giải ngân do không có mặt bằng thi công, nhưng số vốn bố trí cao, không giải ngân hết phải điều chuyển vốn, kéo dài thời hạn thanh toán sang năm sau, như: đường ra biên giới Mường Nhà- Pha lay- Mốc 130 kết hợp kè bảo vệ chân mốc 130, huyện Điện Biên; Nâng cấp đường Đông Điện Biên (ĐT.147), huyện Điện Biên,..

Tiếp tục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai kế hoạch đầu tư công

          Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến những tồn tại, hạn chế đã nêu; đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị:

          Đối với UBND tỉnh: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên môn, địa bàn phụ trách liên quan đến đầu tư công, đặc biệt là phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư, phân bổ, điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn, thu hồi hoàn ứng, thanh quyết toán công trình, chất lượng nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng; chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND cấp huyện triển khai đồng bộ các dự án hạ tầng đường, điện, nước sinh hoạt có tính kết nối, liên kết đồng bộ để sớm đưa vào khai thác sử dụng, như các dự án thành phần thuộc trung tâm huyện Nậm Pồ....Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm đảm bảo đầu tư hiệu quả, thiết thực, giải ngân 100% kế hoạch vốn hàng năm, tăng cường chỉ đạo thu hồi tạm ứng quá hạn; xem xét phân cấp, uỷ quyền theo quy định cho các chủ đầu tư phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, điều chỉnh bổ sung, hạng mục dự án mà không làm thay đổi tổng mức đầu tư, quy mô, mục tiêu dự án để giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính. Tăng cường chỉ đạo UBND cấp huyện trong công tác quản lý đất đai nhất là kiểm kê, theo dõi biến động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kịp thời phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, giá đất cụ thể cho từng khu vực, từng công trình dự án, thu hồi đất cho công trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ đầu tư công. Xem xét điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, bố trí nguồn vốn cho một số dự án hoặc bổ sung dự án mới để đảm bảo mục tiêu đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; chỉ đạo rà soát lại các dự án đã được quyết định đầu tư giai đoạn trước nhưng phải giãn hoãn tiến độ, điều chỉnh quy mô; tham mưu cho HĐND tỉnh sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, phát sinh của các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và phát sinh mới cấp bách trong giai đoạn này. Quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu phân bổ, điều chỉnh, bổ sung vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án, năng lực của chủ đầu tư; ưu tiên nguồn vốn cho các dự án vượt tiến độ, đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư rà soát đánh giá lại các dự án đang triển khai đảm bảo hiệu quả, đáp ứng mục tiêu dự án; cắt giảm, giãn hoãn tiến độ đối với các dự án không khả thi, thực hiện và giải ngân chậm tiến độ, hiệu quả thấp, không cân đối được nguồn lực, không có nguồn vốn đối ứng, hết nhu cầu vốn, năm 2022. Xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, phải gia hạn nhiều lần, dự án để dư ứng quá hạn, hủy vốn; không giao chủ đầu tư cho các đơn vị không có chuyên môn về quản lý dự án đầu tư, xây dựng cơ bản.

          Đối với các chủ đầu tư: Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân thanh toán, hoàn ứng khối lượng hoàn thành; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giám sát tiến độ, chất lượng nhà thầu thi công, kiên quyết thay thế nhà thầu không đủ năng lực, cố tình chây ỳ không thi công, hoàn ứng. Chủ động tích cực phối hợp với UBND cấp huyện, xã trong công tác GPMB cho dự án; kịp thời báo cáo cấp Quyết định đầu tư tháo gỡ khó khăn cho các dự án trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; quan tâm tạo điều kiện phối hợp với các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ hoàn công, thanh toán, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

          Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn về đầu tư công, chất lượng công trình dự án, tạo điều kiện để người dân, các tổ chức chính trị tham gia hoạt động giám sát cộng đồng; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kịp thời theo dõi, cập nhật thường xuyên nguồn gốc, thực trạng, biến động đất đai trên địa bàn; chủ động tích cực phối hợp với các chủ đầu tư trong GPMB, giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn./.

Thúy Chinh

 

 


Tin liên quan
Chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em
CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị
7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
HỌC TẬP PHONG CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tích cực, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực