Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt nhận xét, so với Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, lý do bổ sung nguyên tắc này nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khắc phục tình trạng “cộng dồn thành tích” “nuôi khen thưởng” như trước đây. Qua nghiên cứu Dự thảo Luật cho thấy, nhiều nội dung về tiêu chuẩn khen thưởng đã được sửa đổi nhằm cụ thể hóa nguyên tắc. Tuy nhiên, còn một số nội dung, khi phân tích kỹ thì vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm, ví dụ: Một trong các tiêu chuẩn được tặng Huân Chương Lao động hạng nhất là “Đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vàcó 02 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”. Theo đó, để 2 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” mất ít nhất 6 năm, như vậy nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” thì không đáp ứng được tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu này. Đề nghị Ban soạn thảo, nghiên cứu, rà soát các quy định để hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn thành tích”, “nuôi khen thưởng” để công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là động lực cho sự phát triển. Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và nguyên tắc “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng”. Qua nghiên cứu Dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định về việc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa các nguyên tắc này trong Dự thảo Luật. Về danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” và đổi tên danh hiệu “Gia đình văn hóa” thành “Gia đình tiêu biểu”, đại biểu nhất trí với việc bổ sung danh hiệu thi đua để tặng cho các xã, phường, thị trấn có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc đổi tên các danh hiệu thi đua nhằm kế thừa các danh hiệu thi đua hiện hành, có thể lấy tên danh hiệu thi đua là “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu”. Đồng thời, cần quy định theo hướng nâng tiêu chuẩn đối với các danh hiệu thi đua này lên mức cao hơn so với tiêu chuẩn hiện hành của các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”./.
Mai Hồng