Năm học 2018-2019 đã khép lại, đây năm học tiền đề chuẩn bị cho thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên toàn quốc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Trước đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã áp dụng dạy học theo mô hình mới VNEN ở 2 cấp học, đây là chương trình thử nghiệm được áp dụng ở các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, là bước tiếp cận quan trọng để tiến tới đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 408/QĐ-UBND, ngày 07/5/2019 của UBND tỉnh Điện Biên với lộ trình: năm học 2020- 2021 thực hiện đối với lớp 1, năm học 2021 – 2022 thực hiện đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 thực hiện đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 thực hiện đối với lớp 5, lớp 9, và lớp 12.
Hiện nay, bậc tiểu học và Trung học cơ sở ở Điện Biên đang dạy học theo các mô hình trường học cơ bản như: Mô hình trường học truyền thống, mô hình trường học mới và mô hình trường học quốc tế. Thời gian đầu khi triển khai mô hình trường học mới VNEN đã gặp không ít khó khăn, như: Chương trình sách giáo khoa mới chưa nhận được sự tương tác hộ trợ từ phía phụ huynh, thiếu tài liệu hướng dẫn, sách tham khảo; mất nhiều thời gian cho việc tổ chức 1 tiết học, cơ sở vật chất chưa thực sự phù hợp cho hoạt động học tập theo nhóm. Học sinh phần đông là con em đồng bào dân tộc thiểu số vốn kiến thức chung và khả năng tiếng việt của học sinh còn nhiều hạn chế, học sinh giao tiếp không mạnh dạn, việc trình bày hiểu biết còn rụt rè, dẫn đến các tiết học trầm, mất nhiều thời gian, ở khu vực thành phố số học sinh/lớp quá đông,… theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông (trường đã 4 năm dạy học theo mô hình mới): đối với học sinh THCS tại các trường bán trú, do được tổ chức ăn, ở tập tại trường, nên thiếu sự hỗ trợ của gia đình trong học tập, đồng thời phụ huynh cũng không đủ khả năng để hướng dẫn các em trong học tập, dẫn đến các gia đình phó mặc việc học của con mình cho nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Thời điểm mới áp dụng mô hình trường học mới (năm 2017), cơ sở vật chất của trường thiếu thốn không đảm bảo để dạy học theo mô hình mới.
Vì vậy, giai đoạn đầu triển khai mô hình trường học mới đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận, từ cha mẹ học sinh và ngay cả trong đội ngũ giáo viên, một số giáo viên ngại thay đổi để tiếp cận mô hình mới. Để khắc phục những khó khăn trên, các trường đã lồng ghép, kết hợp phương pháp dạy truyền thống và dạy theo mô hình mới, đồng thời bố trí thời gian để bổ sung thêm kiến thức cho học sinh yếu không theo kịp. Vì thế, sau 5 năm triển khai, thực hiện đến nay ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã nhận được những kết quả tích cực, như cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phương chi sẻ: theo mô hình trường học mới, các giáo viên không phải soạn giáo án như phương pháp truyền thống, nhưng đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nghiên cứu nhiều hơn cho mỗi giờ lên lớp lên việc soạn bài vẫn phải duy trì; theo cô giáo Vương Thị Hoài, tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 2-3 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, thành phố Điện Biên Phủ: “nếu triển khai ngay từ đầu với phương pháp nguyên bản thì chúng tôi rất khó khăn; không hoàn toàn ủng hộ chương trình, nhưng trong quá trình thực hiện 3 năm học qua, vừa thực hiện vừa điều chỉnh linh hoạt sáng tạo, chính vì thế đã quen với phương pháp mới và nếu như quay lại phương pháp cũ thì không ổn lắm”.
Trong đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về “Tình hình triển khai, thực hiện mô hình trường học mới”, khi bước vào lớp 5A2 trường tiểu học Hà Nội Điện Biên Phủ, ngôi trường thuộc tốp 1 nằm giữa trung tâm thành phố, các thành viên trong đoàn hoàn toàn bị thuyết phục bởi màn chào hỏi và giới thiệu rất tự tin của các em học sinh là cán bộ lớp; đáp lại những thắc mắc của Đoàn về tư thế ngồi theo “mâm” của các em khi phải quay người nhìn lên bảng và ý kiến của các em khi học nhóm, thảo luận thì các em học sinh đều đồng thanh trả lời thích học theo hình thức này và ngồi xoay ngang về hướng bục giảng một cách thuần thục khi cô giáo yêu cầu; tuy nhiên với không gian chật hẹp, để đủ chỗ cho 8 nhóm với 46 học sinh của lớp, giải pháp được nhà trường khắc phục bằng cách bỏ bục giảng và tận dụng không gian chật hẹp phía cuối lớp là cách khắc phục duy nhất có thể, do số lượng học sinh của trường quá đông.
Việc thực hiện mô hình giáo dục mới trong giai đoạn vừa qua, là bước đệm để tiến tới thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chủ trương của Chính phủ. Đến nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng Chương trình VNEN cơ bản nhận được sự đồng thuận từ phía học sinh, gia đình và nhà trường. Các thầy cô đã thay đổi, đã phát huy vai trò quyết định của mình trong chương trình giao dục mới, học sinh được phát huy năng lực, là trung tâm của hoạt động đã bước đầu phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại trên thế giới và tinh thần Nghị quyết về đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Nhà nước.
Năm học 2019 - 2020 sắp đến, năm kết thúc chặng đường 5 năm đầu thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và chuẩn bị bước vào giai đoạn mới. Thời điểm chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đang đến gần, khó khăn trước mắt với ngành Giáo dục và chính quyền địa phương là rất lớn trong việc khắc phục những vấn đề còn tồn tại; thay đổi phương pháp giảng dạy, hoạt động học tập tiếp thu kiến thức từ phía học sinh. Tập huấn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, gánh nặng về đầu tư cơ sở vật chất… đòi hỏi sự lỗ lực của ngành Giáo dục và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng - xã hội để triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đề ra./.
Lê Hùng