Thiết thực và hiệu quả
Với mục tiêu tạo điều kiện cho các hộ nghèo có vật nuôi, nắm được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2012 Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã triển khai dự án mô hình luân phiên nuôi bò sinh sản. Từ việc giao cho các hộ nghèo nuôi 29 con bò sinh sản đến nay tổng đàn bò của dự án đã là 83 con. Mô hình này cũng được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy triển khai thực hiện trước đó khi giúp đỡ xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông. Từ 35 con bò mẹ, 78 con dê, sau gần 10 năm các hộ nghèo nơi đây đã có 180 con bò và 482 con dê. Đây chỉ là hai trong hàng chục mô hình mà các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã trực tiếp giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn được tỉnh Điện Biên thực hiện trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị giúp các xã khó khăn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, đó là: phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị. Trong giai đoạn 2011-2016, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã tập trung giúp các xã trong việc phát triển sản xuất, thông qua việc mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi trong đó đã hỗ trợ 8 con trâu, 90 con bò sinh sản, 50 con lợn, 350 con dê và hơn 25.000 cây trồng các loại. Đồng thời, tổ chức các đoàn đi học tập mô hình sản xuất ở các xã điển hình trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm...
Thường trực HĐND tỉnh giám sát thực tế nuôi bò sinh sản tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ảnh HL
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ các xã triển khai các chương trình, dự án; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các đơn vị, trường học. Trong 5 năm, ngoài vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các cơ quan, đơn vị đã huy động kinh phí và ngày công lao động sửa chữa, làm mới 41km đường giao thông; sửa chữa hơn 20km kênh mương nội đồng; xây dựng 8 lớp học, 28 nhà tình nghĩa, 3 nhà đại đoàn kết, 3 nhà nội trú, 2 nhà văn hóa, 9 nhà cho hộ nghèo, 4 nhà công vụ và 3 nhà nội trú... trị giá trên 17 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1,5 tỷ tiền mặt, hàng trăm ti vi, máy tính cùng hàng chục nghìn chăn bông, quần áo, sách vở, bút viết, cặp sách. Một số sở, ngành đã giúp đỡ, tư vấn chuyên sâu cho các xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, ứng dụng công nghệ thông tin... Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự.
Trực tiếp tại cơ sở
Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, song việc giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng còn không ít những hạn chế, khó khăn như: Việc triển khai nhiệm vụ giúp xã chưa đồng bộ, chưa xây dựng được các mô hình điểm để áp dụng chung; hỗ trợ quy hoạch và tham gia xây dựng nông thôn mới chưa tạo được những chuyển biến rõ nét. Một số ngành, đơn vị còn lúng túng trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chưa nắm chắc tình hình cơ sở và lựa chọn được cách thức hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ hợ để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các chương trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan, đơn vị chủ yếu hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị, việc hỗ trợ phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo bền vững còn ít; giúp đỡ xây dựng hệ thống chính trị còn gặp nhiều khó khăn...
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, UBND tỉnh tiếp tục quyết định giao nhiệm vụ cho 81 cơ quan, đơn vị trong tỉnh giúp đỡ 101 khó khăn (trên tổng số 130 xã, phường, thị trấn của tỉnh). Nhiệm vụ chủ yếu các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện đến năm 2020, đó là: Rà soát cập nhật thông tin về KTXH để giúp xã xây dựng định hướng phát triển gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế các xã khó khăn vùng biên giới. Tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững; chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, tạo môi trường sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Triển khai các dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kêu gọi thu hút đầu tư để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Rà soát và hỗ trợ các xã thực hiện các nhiệm vụ về văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Giúp các xã xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại các xã biên giới, những địa bàn có nhiều tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị...
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác giúp đỡ xã khó khăn giai đoạn 2011-2016, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Sơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các huyện, nhất là các xã được giúp đỡ cần nêu cao trách nhiệm, chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, trong đó cần xây dựng các mô hình sản xuất, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững; các cơ quan, đơn vị phải thực sự sâu sát, cử cán bộ trực tiếp làm việc tại xã.
Từ những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong những năm qua và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, thời gian tới các xã khó khăn trong tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến quan trọng trong các lĩnh vực, nhất là phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo ANTT, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, góp phần sớm đưa tỉnh Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi, trung du phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII./.
Lê Khánh Hòa, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh