Đoàn ĐBQH tỉnh  

Đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Cập nhật ngày 24/10/2024 17:07:15 PM - Lượt xem: 108

Phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Dữ liệu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra vào chiều nay (24/10), đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dữ liệu quốc gia phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.


ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi dữ liệu, nhất là dữ liệu liên quan đến cá nhân là công dân được thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác quy định trong luật này nhằm hạn chế việc thu thập dữ liệu dàn trải, thiếu tập trung, giảm hiệu quả của dự án hoặc làm khó cho các lĩnh vực quản lý xã hội và các ngành kinh tế khác, ví dụ như các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về văn hóa, điện ảnh, sức khỏe công dân, dân số học, môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ… đã được số hóa. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thêm giữa yêu cầu quản lý dữ liệu tập trung và phân cấp, phân quyền sao cho việc tập trung quản lý giữ liệu tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 49 dự thảo Luật quy định việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; phân tích, tổng hợp dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện vì những hoạt động liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu rất phức tạp, dễ phát sinh nhiều tình huống, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dữ liệu. Việc bổ sung quy định này sẽ làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật.

“Việc quy định cụ thể như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để vừa giữ được vai trò quản lý nhà nước liên quan đến dữ liệu, đồng thời tạo cơ hội cho tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định.

Liên quan đến quy định thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm việc thành lập quỹ này bởi trong thực tế và qua giám sát của Quốc hội năm 2019 cho thấy việc quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn nhiều hạn chế.

Đại biểu phân tích thêm, dự thảo Luật quy định Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về dữ liệu cho nên việc bố trí ngân sách cũng sẽ khá thuận lợi, còn việc huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác thì đã có quy định của pháp luật. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã quy định việc xây dựng, quản lý, quản trị dữ liệu đã được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và dự án Luật cũng dự kiến quy định về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

“Suy cho cùng, về nguyên tắc mọi nguồn lực tài chính công nên tập trung vào ngân sách nhà nước, do Quốc hội quyết định và giám sát, chứ luật nào cũng yêu cầu lập quỹ riêng thì nguồn lực sẽ bị phân tán”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần phải rà soát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho thấy có tới 69 Luật, 42 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 41 Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án Luật Dữ liệu nhưng cơ quan soạn thảo mới chỉ rà soát quy định có liên quan tại 08/69 luật.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến, Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá, cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay thiếu sự liên thông giữa cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Dữ liệu bị phân tán, không đồng bộ, trùng lặp, thiếu chính xác. Chưa có tiêu chuẩn chung cho việc thu thập, lưu trữ, bảo mật dữ liệu. Vấn đề quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân còn nhiều hạn chế.

Đại biểu cho rằng, cần xây dựng bộ quy chuẩn để chuẩn hoá dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo tính liên thông, thống nhất. Luật Dữ liệu cần quy định chặt chẽ về thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư. Sử dụng công nghệ hiện đại trong thu thập, kiểm soát, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu và cần quy định phân cấp, phân quyền rõ ràng trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu.

Đại biểu đồng tình cao với việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia để có thể lưu trữ được dữ liệu với quy mô vô cùng lớn. Cần đầu tư hệ thống lưu trữ, nguồn cung cấp năng lượng phù hợp và các biện pháp bảo mật hiệu quả để bảo đảm được yêu cầu về lưu trữ, an ninh, an toàn cho Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Bên cạnh đó, Thượng toạ Thích Đức Thiện cho rằng việc thiết lập sàn giao dịch dữ liệu là cần thiết để có thể đưa dữ liệu thành nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tránh việc độc quyền dữ liệu. Cần xây dựng cơ chế định giá dữ liệu minh bạch, công bằng, công khai và dựa trên yếu tố giá trị thông tin, tính độc đáo, mức độ hữu ích của dữ liệu./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 


Tin liên quan
Đề xuất Bảo hiểm y tế chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi
Đoàn ĐQBH tỉnh Điện Biên tiếp xúc cử tri với đoàn viên công đoàn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị TXCT chuyên đề lấy ý kiến xây dựng Luật trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Giám sát phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo
Bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát tại huyện Mường Chà
ĐBQH tỉnh trao kinh phí hỗ trợ Nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bị thiệt hại do lũ quét
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI XÃ NÀ HỲ