Đoàn ĐBQH tỉnh  

Đề xuất Bảo hiểm y tế chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi

Cập nhật ngày 24/10/2024 17:07:26 PM - Lượt xem: 112

Chiều nay (24/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.


ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng và can thiệp giảm thiểu tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Đại biểu thông tin, hàng năm tại Việt Nam có khoảng 2 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, trong đó có khoảng trên 200 ngàn trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng được tổ chức Y tế thế giới công nhận là bệnh và được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD -10; ICD-11 của WHO. Theo khuyến cáo của WHO việc điều trị suy dinh dưỡng được dùng chế phẩm dinh dưỡng (F75;F100; RUTF) điều trị hiệu quả bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng, các chế phẩm này được WHO công bố năm 2007, có quy định rất chi tiết về thành phần và các đặc tính rất chuyên biệt để điều trị theo đơn của bác sĩ tại các cơ sở y tế, các sản phẩm này đảm bảo độ an toàn và hiệu quả, hiện tại không có thuốc nào có thể thay thế và điều trị hiệu quả hơn các sản phẩm chuyên biệt này. Tháng 7/2023, WHO đã đưa sản phẩm này vào danh mục thuốc thiết yếu dưới dang thực phẩm để điều trị cho trẻ em trên toàn cầu mắc bệnh suy dinh dưỡng.

Năm 2009, Việt Nam được UNICEF hỗ trợ triển khai thành công mô hình can thiệp mẫu ở Kon Tum, đến năm 2016 mô hình được mở rộng trên 22 tỉnh với nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác. Tỉnh Điện Biên được UNICEF và Tổ chức tầm nhìn Thế giới lựa chọn hỗ trợ năm 2019 - 2021, 2022 - 2023 với 400 trẻ được điều trị. Tỷ lệ điều trị thành công phục hồi hoàn toàn của mô hình UNICEF là 85%, mô hình của Tổ chức tầm nhìn Thế giới là 68,7% số trẻ được tham gia. Số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị từ mô hình này mới chiếm khoảng 10%, còn 90% chưa được điều trị và mỗi năm có 500 trẻ bị chết vì suy dinh dưỡng cấp tỉnh nặng.

Nội dung này đã được đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 Quốc hội khoá XV khi thảo luận tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhưng chưa được tiếp thu với lý do việc quy định về mức hưởng của bảo hiểm y tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

“Vì bà con, vì những đứa trẻ, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri, tôi phát biểu với mong muốn được nghiên cứu, tiếp thu đưa vào quy định tại Luật Bảo hiểm y tế trong lần sửa đổi, bổ sung lần này để trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có cơ hội được can thiệp, điều trị với cơ hội sống cao hơn”, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ nguyện vọng.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho biết Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế; đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh, trong khi đây là chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành y tế.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều vướng mắc, bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh, làm chậm tiến độ thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Khi đánh giá tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Uỷ ban xã hội của Quốc hội cũng đã nêu nhiều vướng mắc phát sinh trong thực hiện công tác giám định BHYT. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khái niệm, nội dung giám định BHYT tại khoản 6 Điều 2, khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành vì đây là vấn đề cấp bách, cấp thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT đến các cơ sở khám chữa bệnh được quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP vào dự thảo Luật, bởi quy định giao kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh BHYT căn cứ số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đã không còn phù hợp kể từ khi thực hiện “thông tuyến” khám chữa bệnh BHYT vào năm 2016.

Liên quan đến quy định cho phép học sinh, sinh viên được tự lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp, nghĩa là có thể đóng BHYT theo đối tượng học sinh, sinh viên hoặc đóng theo hộ gia đình. Đại biểu Quàng Thị Nguyệt băn khoăn vì cho rằng quy định này có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng; việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác; học sinh, sinh viên viện cớ tham gia theo hộ gia đình để trốn tránh tham gia BHYT học sinh, sinh viên vào đầu năm học, đồng thời khó khăn trong quản lý và đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT tại trường học.

Để giải quyết bất cập trên, đại biểu đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm học sinh, sinh viên tối thiểu là 50% mức đóng và giữ nguyên quy định hiện hành về việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Đoàn ĐQBH tỉnh Điện Biên tiếp xúc cử tri với đoàn viên công đoàn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị TXCT chuyên đề lấy ý kiến xây dựng Luật trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Giám sát phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo
Bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát tại huyện Mường Chà
ĐBQH tỉnh trao kinh phí hỗ trợ Nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bị thiệt hại do lũ quét
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI XÃ NÀ HỲ
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Tuần Giáo