Đại biểu Tráng A Tủa, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tham gia phát biểu ý kiến vào Dự án Luật PCCC và CNCH, đại biểu Tráng A Tủa, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an cho biết hiện nay tình hình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, công tác phòng cháy chưa hiệu quả. Đồng thời, nhiều quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã không còn phù hợp nhất là quy định quản lý nhà nước về PCCC trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Tờ trình của Chính phủ cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH. Dự thảo Luật lần này đã cắt giảm 6 nhóm thủ tục hành chính tương ứng với 29 thủ tục hành chính so với Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Không làm tăng biên chế, không làm tăng ngân sách nhà nước. Khuyến khích xã hội hóa trong thực hiện các dịch vụ liên quan đến PCCC và CNCH như: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, kiểm định kỹ thuật, kiểm tra về PCCC...
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 8 chiều ngày 19/6/2024
Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm PCCC của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công trong công tác đầu tư xây dựng công trình. Tăng cường trách nhiệm tự bảo đảm an toàn PCCC cho chủ đầu tư tại các Điều 13 đến Điều 16, Điều 56, Điều 59 dự thảo Luật. Về quy định chuyển tiếp tại Điều 65 cần nghiên cứu bổ sung quy định để giải quyết các công trình hiện nay chưa đảm bảo an toàn PCCC và điều chỉnh bãi bỏ quy định áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn về PCCC vì Dự thảo Luật lần này tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động PCCC theo nguyên tắc tự nguyện nhằm tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ban, ngành nghiên cứu điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ, thống nhất khái niệm “Lực lượng PCCC và CNCH cơ sở” và “Lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành”. Đại biểu cho rằng quy định về thẩm định thiết kế PCCC tại Điều 3 Dự thảo Luật là quá dài, gây khó hiểu và không thống nhất với quy định tại Điều 14 quy định về Thẩm tra, thẩm định thiết kế về PCCC. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét, điều chỉnh các quy định trên cho phù hợp, thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng khi Luật có hiệu lực thi hành./.
Tin, ảnh: Thu Hà