Đồng chí Giàng Thị Hoa - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Về hạ tầng, trên địa bàn toàn tỉnh có 807 công trình được làm mới, nâng cấp, sửa chữa (trong đó: 321 công trình giao thông, 47 công trình điện, 109 công trình thủy lợi, 27 công trình nước sinh hoạt, 140 công trình văn hóa, 07 công trình y tế, 139 công trình giáo dục, 15 chợ, 02 công trình hạ tầng kỹ thuật) được đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 26.189 nghìn đồng/năm, tăng 4.340 nghìn đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 còn 25,68%; giảm 9,22% so với năm 2021. Dự kiến năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 31.385 hộ, chiếm tỷ lệ 22,03%; giảm 12,87% tỷ lệ hộ nghèo so với đầu kỳ năm 2021, đạt 80,43% mục tiêu đến 2025. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5,5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5% đạt mục tiêu hằng năm theo kế hoạch; theo kế hoạch, phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Điện Biên có 02 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; các chỉ tiêu, nhiệm vụ được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Tính đến 30/6/2024, toàn tỉnh đã công nhận được 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2021), 52 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 07 xã so với năm 2021); số tiêu chí bình quân 14,3 tiêu chí/xã (tăng 1,2 tiêu chí/xã so với năm 2021); Có 179 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 96 xã so với năm 2021). Tính đến ngày 30/6/2024, đã hoàn thành 14 chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đề ra.
Đồng chí Lò Văn Tiến - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã giải trình làm rõ một số nội dung đoàn giám sát đã nêu như: nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp; tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các Chương trình MTQG còn chậm; nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023, năm 2023 sang năm 2024 còn lớn; một số dự án, tiểu dự án được phân bổ nguồn kinh phí lớn vượt quá nhu cầu thực tế; công tác giải quyết, hỗ trợ nhà ở, đất ở đất sản xuất cho người dân; tiêu chí thu gom và xử lý rác thải, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; khả năng thực hiện mô hình nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp; chất lượng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; Ban phát triển thôn, bản và tổ cộng đồng được thành lập nhưng cơ bản không xác định được công việc phải thực hiện; vốn sự nghiệp thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt thấp (0,62%).
Đồng chí Mùa Thanh Sơn - UVTT, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phát biểu thống nhất tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Thị Hoa, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhất trí cao với dự thảo báo cáo giám sát của Đoàn và ý kiến giải trình của các Sở, ban, ngành. Đồng thời, đề nghị các Sở, ban, ngành tổng hợp chi tiết các kiến nghị chuyển Đoàn giám sát; giao Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp thu ý kiến của các Sở, ban, ngành, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực HĐND tỉnh ; đề nghị UBND tỉnh đôn đốc, quan tâm, nắm bắt các vấn đề phát sinh mới để triển khai thực hiện tốt nhất các Chương trình MTQG góp phần thay đổi bộ mặt của nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.
Tin, ảnh : Hoàng Ngân