Đồng chí Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác số Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh
Năm 2023, toàn huyện đã xây dựng được 38 mô hình hỗ trợ bò sinh sản để hỗ trợ cho các tổ cộng đồng với 784 hộ tham gia. Tuy nhiên, tính đến hết 31/12/2023, thực tế hỗ trợ từ các xã trên địa bàn huyện mới có 09 dự án được triển khai thực hiện hỗ trợ cho 135 hộ gia đình (mỗi hộ 01 con) với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.966,757 triệu đồng; xã Pu Nhi thực hiện hỗ trợ 02 mô hình trồng cây Lê VH6 cho 57 hộ tham gia với kinh phí thực hiện là 1.155 triệu đồng. Tổng nguồn vốn của Dự án 2 đã giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 5.121,757 triệu đồng đạt 23,58% tổng nguồn vốn được giao.
Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm do khó khăn trong quá trình tìm đơn vị cung ứng con giống từ sự chưa thống nhất giữa các văn bản có liên quan. Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 38/2023/NĐ-CP: “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân.” Tại điểm b2 khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu cũng quy định: “Trường hợp sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất, cung ứng tại địa bàn thực hiện dự án cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho chủ dự án theo giá hàng hóa, dịch vụ được mua bán tại địa bàn cấp xã, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”. Tuy nhiên, tại Văn bản số 2196/SNN-CNTYTS ngày 19/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phá triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi và văn bản số 69/SNN-CCPTNT & KTTT triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024 yêu cầu dự án thực hiện hỗ trợ sản xuất phải theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018. Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện: các điều kiện quy định tại Điều 55 về chăn nuôi trang trại; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi; cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học; cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học; có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (khoản 2 Điều 22 Luật Chăn nuôi). Trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có cơ sở sản xuất con giống đáp ứng điều kiện tại Điều 22 Luật Chăn nuôi nên gây nhiều khó khăn trong quá trình tìm đơn vị cung ứng.
Tổ công tác số 1 Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh giám sát mô hình hỗ trợ trồng cây Lê tại bản Háng Trợ, xã Pu Nhi
Tương tự như vậy, trên 45 tỷ đồng của Tiểu dự án 2 của Dự án 3. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng khó giải ngân.
Phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác số 1 Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để UBND xã có thể mua giống tại địa phương hỗ trợ cho dân vừa đảm bảo sức khỏe của con giống, vừa tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao nhất cho người dân được thụ hưởng, thuận lợi cho xã trong công tác hỗ trợ./.
Tin, ảnh: Như Ý