Đồng chí Mùa A Vảng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu chủ trì buổi làm việc
Qua báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục-xoá mù chữ tỉnh (Ban Chỉ đạo) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo cũng như công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ (PCGD-XMC) trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các chỉ tiêu về PCGD-XMC được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điện Biên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi năm 2014, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2015, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xoá mù chữ mức độ 2 năm 2020. Từ khi được công nhận tới nay, tỉnh đã duy trì tốt và tiếp tục phấn đấu để nâng cao các tiêu chí chuẩn PCGD-XMC trên địa bàn. Năm 2023, có 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, 128/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 111/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát và Sở Giáo dục và Đào tạo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, làm rõ một số thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCGD-XMC; kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo; việc kiên cố hoá trường lớp học; quy hoạch và bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục phổ thông; việc sáp nhập các cơ sở giáo dục phổ thông; việc mua sắm thiết bị dạy học; phân luồng học sinh sau THCS; việc đưa trẻ lớp 1, lớp 2 ra học tại điểm trường trung tâm…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mùa A Vảng, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến, kiến nghị của Sở Giáo dục liên quan đến công tác PCGD-XMC để phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Đề nghị Ban chỉ đạo PCGD-XMC tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 31 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tăng cường chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; có giải pháp để bố trí đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; cần tổ chức cuộc làm việc với các huyện, thị xã, thành phố để thống nhất quan điểm trong việc đưa trẻ lớp 1, lớp 2 ra học tại điểm trường trung tâm…
Tin, ảnh: Mai Hồng