Đại biểu Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 8/11
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật là nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tham gia vào dự thảo Luật một số nội dung, cụ thể như:
Về trình tự, thủ tục đấu giá: Đại biểu bày tỏ đồng tình với việc dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá. Tuy nhiên cần quy định rõ hơn đối với trường hợp diễn biến trong của các phiên đấu giá có sự không bình thường, vô lý thì phải xử lý như thế nào? Dự án luật cũng chưa quy định rõ về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai hay đấu giá về quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế,…
Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản đại biểu cho rằng cần quy định chi tiết hơn về năng lực bộ máy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có liên quan đến xử lý, đấu giá tài sản công, tài sản Doanh nghiệp nhà nước trong những trường hợp tương tự nhằm đảm bảo cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại, vướng mắc có liên quan đến sự không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá và quản lý thuế, tài chính, tín dụng doanh nghiệp. Kịp thời ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, thực tiễn những hành vi này diễn ra rất tinh vi và khó phát hiện như thông đồng, dìm giá, phá đám trả giá cao bất thường để trúng đấu giá sau đó bỏ cọc như đấu giá đất tại thành phố Hồ Chí Minh hay thanh lý tài sản của cơ quan nhà nước tại tỉnh Điện Biên... Đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể để hạn chế hành vi này.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 8/11
Đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật là nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cho đến đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp nghiên cứu về nội dung chi của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh cho thực hành động viên công nghiệp (Điều 46) và các khoản 8,9 Điều 47 nên giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện và tương thích với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư,…
Ngoài ra, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng việc liệt kê chi tiết các chế độ chính sách đối với các đối tượng tại các Điều 50, 51, 52 là không cần thiết, vì khi đi vào thi hành phải đồng bộ với những luật khác như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.... Thời điểm hiện tại có thể là phù hợp, nhưng trong tương lai sẽ phát sinh đối tượng, nhu cầu mới dẫn đến phải sửa đổi Luật. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ và quy định chỉ nên mang tính nguyên tắc, còn chính sách cụ thể như thế nào thì cần phải đảm bảo tính tương thích với những luật khác./.
Tin, ảnh: Thu Hà