Thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, hơn nửa nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp tỉnh Điện Biên đã chủ động thực hiện Hiến pháp, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam và quy định của pháp luật, bám sát thực tiễn và yêu cầu của cuộc sống, tích cực tập hợp và phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia tổ chức bộ máy Nhà nước các cấp; tham gia xây dựng và vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước các cấp đạt nhiều kết quả quan trọng. Chú trọng công tác giám sát, phản biện; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các cuộc vận động. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước hết là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ Quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người “xứng đáng” ra ứng cử, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử để bầu chọn những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Những người trúng cử đại biểu dân cử đảm bảo đúng dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng cũng như chất lượng.
Thứ hai là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Một hoạt động nổi bật thời gian qua, đó là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn và tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân các dân tộc đảm bảo dân chủ, công khai và thật sự là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, rộng lớn, phát huy được quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân và tạo sự đồng thuận xã hội. Đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vận động nhân dân tích cực tham gia, thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, quản lý sử dụng đất đai; khiếu nại, tố cáo; giám sát đầu tư cộng đồng; bảo vệ môi trường... thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được Mặt trận cơ sở thực hiện khá đầy đủ và nghiêm túc, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra” ngày càng được thể hiện rõ
Thứ ba là tăng cường nhiệm vụ giám sát. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào việc thực hiện quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông... Qua giám sát, những bất cập, chưa hợp lý trong việc thực hiện chính sách, những vướng mắc về pháp luật cũng như nhiều hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đã được phát hiện, kiến nghị xử lý, sửa đổi kịp thời.
Với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, MTTQVN các cấp đã thực hiện tốt, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ảnh với các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp. Trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội và HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ cùng cấp chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND và UBND các cấp tổ chức đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử. Hơn nửa nhiệm kỳ qua MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức được 2.614 hội nghị tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, với hơn 381.276 người tham dự, tổng số hơn 43000 ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri được tổng hợp, phản ảnh với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương,
Thứ tư là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nai, tố cáo, đã được MTTQ các cấp quan tâm, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Mặt trận đã tiếp 383 lượt công dân, nhận 269 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Tỷ lệ đơn thư được giải quyết, trả lời tăng lên, nhiều vụ việc được nhân dân đồng tình. Các địa phương thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả như: TP Điện Biên Phủ, TX Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé… nhiều đơn thư đã được xem xét, đối thoại giải quyết dứt điểm, góp phần củng cố niềm tin của dân đối với chính quyền, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài những nội dung chủ yếu trên, trong nửa nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; tham gia hoạt động tố tụng và nhiều chương trình phối hợp liên tịch khác..., đã không ngừng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng không thể thiếu của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền của Mặt trận các cấp tỉnh Điện Biên nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở. Nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động chậm được đổi mới, còn đơn điệu, cứng nhắc, một số nơi còn mang tính hành chính và thụ động. Chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận ở một số nội dung chưa cao, những kiến nghị của Mặt trận chưa đủ cơ sở thực tiễn và căn cứ pháp luật để có sức thuyết phục đối với chính quyền các cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong giai đoạn mới.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh của Mặt trận tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới, Ban Thường trực MTTQ tỉnh Điện Biên có một số ý kiến, kiến nghị sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về nhiệm vụ tham gia xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của MTTQ một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện trong mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức và đảng viên.
Thứ hai, cần xác định rõ Đảng vừa là thành viên của Mặt trận, vừa là hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống Mặt trận. Trước hết, Đảng phải thực hiện đúng vai trò tiền phong của mình; cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận trong công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý của nhân dân, của Mặt trận.
Thứ ba, tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Đồng thời, có chế độ, chính sách đột phá về đãi ngộ lâu dài đối với cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận như đã thực hiện đối với một số lĩnh vực khác...
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về MTTQ Việt Nam đã được khẳng định tại Điều 9 Hiến pháp 2013, quy định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, trong đó trọng tâm là chức năng “Giám sát và phản biện xã hội” để MTTQ Việt Nam thật sự là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, phát huy quyền dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân
Thứ 5, các đại biểu và tổ đại biểu HĐND cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Ủy ban MTTQ ở các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền ở cơ sở để tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đặc biệt trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy Ban MTTQ tỉnh để tổng hợp thông báo tại các kỳ họp HĐND tỉnh./.
Giàng Trọng Bình
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh