Nghiên cứu - Trao đổi  

Tổ chức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả, khắc phục tính hình thức

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:27:17 AM - Lượt xem: 256

Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ của đại biểu HĐND, đã được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND được hiểu là việc đại biểu HĐND thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình để thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri chuyển tải đến HĐND, đồng thời báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu HĐND, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.


Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND đặt ra hai vấn đề đó là: Thứ nhất, cử tri chủ động trực tiếp chuẩn bị những kiến nghị đề xuất của mình phản ánh tới đại biểu HĐND, đại biểu HĐND lắng nghe những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó. Thứ hai, đại biểu HĐND chủ động chuẩn bị nội dung để tiếp xúc với cử tri, cử tri nghe người đại biểu của mình báo cáo và nêu ra các ý kiến, kiến nghị của mình. Hai vấn này liên quan chặt chẽ với nhau, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu với cử tri, Đại biểu HĐND chính là cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thực tế hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Mường Chà thời gian qua cho thấy: HĐND huyện đã tổ chức tiếp xúc cử tri nghiêm túc, đúng quy định của luật, có chất lượng, mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, đa số ý kiến của cử tri đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Các cuộc tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung, địa điểm tiếp xúc. Một số cuộc tiếp xúc cử tri đã bố trí để cả đại biểu HĐND tỉnh, huyện và xã cùng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, cách làm này đã tiết kiệm được thời gian, công sức của cử tri, các ý kiến kiến nghị sẽ được các đại biểu phân loại, giải trình và tiếp thu đầy đủ.

Mặc dù đã cố gắng đổi mới, tuy nhiên hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện vẫn còn có những hạn chế đó là: Số điểm tiếp xúc còn ít, mỗi đợt tiếp xúc cử tri đại biểu chỉ đi đến được một hai điểm của xã, thị trấn nơi ứng cử (ở trụ sở UBND hoặc một điểm bản) chưa tiếp xúc được hết cử tri của các bản nên đại biểu HĐND không thể nắm bắt, thu thập hết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Các cuộc tiếp xúc cử tri thường chỉ được tổ chức trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực còn hạn chế. Công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa có sự chắt lọc (Một số đại biểu HĐND tiếp thu tất cả các ý kiến, kể cả những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, thị trấn). Công tác giám sát, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm đúng mức. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số đại biểu và cơ quan chức năng ở địa phương còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do: Địa hình rộng, đi lại khó khăn, các bản trong xã nằm cách xa nhau nên việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri ở nhiều điểm trong một đợt chưa thực hiện được, vì đại biểu HĐND chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động ít. Trình độ chính trị và chuyên môn của một số ít đại biểu còn hạn chế như chưa nắm vững pháp luật, các chính sách của Nhà nước để giải thích, giải đáp cho cử tri. Kỹ năng, nghiệp vụ tiếp xúc cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế.

Vậy làm thế nào để tổ chức tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả, khắc phục tính hình thức?

Từ thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND huyện Mường Chà trong thời gian qua, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, khắc phục tính hình thức như sau:

Một là: Trước khi tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND cần phối hợp chặt chẽ với Ban thường trực UBMTTQ và lãnh đạo UBND cùng cấp sớm xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri, đồng thời thông báo lịch tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri bố trí thời gian và tham dự. Kế hoạch tiếp xúc cử tri phải cụ thể chi tiết, để có thời gian chuẩn bị chu đáo. Khi xây dựng kế hoạch cần căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị cho phù hợp và có hiệu quả. Đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc cử tri, có thể tổ chức tiếp xúc với tất cả cử tri hoặc chỉ tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, ngành nghề mà HĐND dự kiến sẽ thảo luận, quyết định. Đối với huyện miền núi, địa hình phức tạp nên tổ chức tiếp xúc cử tri theo từng bản, tổ dân phố tạo điều kiện để cử tri tham gia đông đủ.

Hai là: Trong buổi tiếp xúc cử tri, cần dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung và địa điểm tiếp xúc để có nhiều cử tri tham gia, tránh tình trạng chỉ có cử tri “chuyên nghiệp”. Quá trình tiếp xúc cử tri tại các địa phương nơi dự báo có nhiều vấn đề bức xúc cần mời đại diện lãnh các cơ quan chuyên môn cùng tham dự để nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Tại buổi tiếp xúc cử tri nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đại biểu HĐND chuyển giao toàn bộ ý kiến cử tri đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Ba là: Tăng số điểm tiếp xúc cử tri, mỗi điểm tiếp xúc nên có từ 2-3 đại biểu; có thể kết hợp để đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã cùng tiếp xúc cử tri để tổng hợp, phân loại ý kiến và xử lý. Đối với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tổ chức tiếp xúc cử tri gặp trở ngại do cử tri chưa thông thạo tiếng phổ thông nên khó khăn trong việc diễn đạt tâm tư, nguyện vọng của mình. Ở những khu vực này, đại biểu phải thường xuyên xuống tận các bản, tổ dân phố, kết hợp với công tác chuyên môn để có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu, tổng hợp đầy đủ tình hình thực tế ở cơ sở.

Bốn là: Các cuộc tiếp xúc cử tri đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu, đại biểu không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri mà đại biểu còn phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu; ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải thích rõ ràng. Không chỉ “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, đại biểu phải giám sát, đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau: vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh hoặc hứa hẹn. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, đòi hỏi đại biểu HĐND trước khi tiếp xúc cử tri cần nắm chắc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của địa phương tại nơi tiếp xúc cử tri và chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Năm là: Phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị đúng địa chỉ: khi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu: đầy đủ, chính xác để chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp cho việc giải quyết ý kiến, kiến nghị nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với đại biểu HĐND.

Sáu là: Nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đại biểu HĐND. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND cần học tiếng của đồng bào dân tộc ở khu vực đại biểu ứng cử để có thể trực tiếp nghe cử tri gởi gắm tâm tư, nguyện vọng. Có như vậy, cầu nối giữa đại biểu và cử tri mới thực sự có tác dụng.

Hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành./.

Trần Thanh Hải

                                                                  TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Chà

 

 


Tin liên quan
Luật Tiếp công dân - khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta
Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường