Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh

Cập nhật ngày 21/03/2015 15:47:40 PM - Lượt xem: 256

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động của HĐND đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý Nhà nước”; “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri...”. Các đại biểu HĐND được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Tổ đại biểu HĐND tổ chức họp định kỳ theo quy định để bàn kế hoạch công tác, thảo luận nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp; tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri...


Nhiệm kỳ 2011 - 2016, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Điện Biên Phủ (Tổ đại biểu thành phố Điện Biên Phủ) có 6 thành viên trong đó có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 4 thành viên (không có đại biểu hoạt động chuyên trách). Xác định Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh là hai chủ thể quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh, là cầu nối giữa HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND với các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, với cử tri, nhân dân; có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Vì vậy trong thời gian qua, Tổ đại biểu thành phố Điện Biên Phủ đã tập trung đổi mới hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm của Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như:

Trọng hoạt động tiếp xúc cử tri, căn cứ  kế hoạch tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND tỉnh, Tổ đại biểu thành phố đã bàn bạc thống nhất với Thường trực HĐND, UBMTTQ thành phố nội dung, địa điểm, thời gian, sau đó phân công cụ thể các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri. Trên cơ sở phân công của Tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp xúc cử tri tr­ước và sau kỳ họp tại nơi ứng cử; tiếp thu, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cử tri với HĐND, UBND tỉnh tại các kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Tổ đại biểu thành phố đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 30 điểm, đã nhận được hàng trăm lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các buổi tiếp xúc. Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND - UBND thành phố cùng tham gia, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải đáp những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình. Hầu hết các điểm tiếp xúc cử tri đều phối hợp 3 cấp (tỉnh, thành phố, xã và phường) cùng tổ chức tiếp xúc cử tri. Sau mỗi kỳ họp, các đại biểu đã báo cáo đầy đủ nội dung, kết quả của kỳ họp và thông báo kết quả trả lời, giải quyết của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với các ý kiến kiến nghị của cử tri tại kỳ họp.

Trong hoạt động của mình nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Tham gia tích cực vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, tích cực trong quá trình trao đổi, thảo luận, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ để quyết định đúng, trúng. Trong hoạt động giám sát, các Đại biểu cũng đã phát huy vai trò tích cực của mình, qua đó nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực, các Ban HĐND tỉnh để tổ chức các đoàn giám sát, nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động HĐND. Công tác tiếp dân đã được đa số đại biểu thực hiện lồng ghép vào các ngày tiếp dân ở cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Tuy vậy hoạt động của Tổ đại biểu HĐND có mặt chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và xã hội; nguyên nhân hoạt động của của Tổ đại biểu HĐND có mặt chưa hiệu quả có cả khách quan và chủ quan. Về mặt pháp lý Luật Tổ chức HĐND và UBND không quy định; Trong quy chế hoạt động của HĐND có nêu một số nhiệm vụ còn chung chung, quy định tránh nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó chưa rõ. Các thành viên của Tổ đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, tính chất công việc, vị trí công tác lại khác nhau; Thành viên của mỗi tổ không ổn định do sự biến động về tổ chức cán bộ việc triệu tập họp mỗi quý một lần là rất khó khăn.  

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, Tổ đại biểu thành phố Điện  Biên Phủ rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Một là: Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 để xây dựng luật Chính quyền địa phương một cách hoàn chỉnh, phù hợp với qui định của Hiến pháp năm 2013. Nhằm đảm bảo đại biểu HĐND tỉnh có một cơ cấu hợp lý, coi trọng tiêu chuẩn và chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách; bố trí 2 chức danh Phó chủ tịch HĐND, bỏ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND; tăng cơ cấu đại biểu là thành viên MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực.

Hai là: Thường xuyên quan tâm công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, Tổ đại biểu như: Kỹ năng thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, kỹ năng xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định.

Ba là: Đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, nhất là việc tham gia vào hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh; đại biểu HĐND phải dành thời gian cho nghiên cứu tài liệu kỳ họp để có những đóng góp cho việc thực hiện chức năng quyết định tại kỳ họp của HĐND, đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn của địa phương; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động chung của Tổ đại biểu HĐND tỉnh./.

                                                                    Hoàng Thanh Hải

                                                            Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy,

                                      Tổ trưởng tổ đại biểu thành phố Điện Biên Phủ

 

 


Tin liên quan
Nổi bật những thành tựu xây dựng Điện Biên giàu đẹp theo Di chúc của Bác
Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Giảm nghèo ở Điện Biên thành tựu và thách thức
Tổ chức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả, khắc phục tính hình thức
Luật Tiếp công dân - khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta
Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND