
Đồng chí Mùa Thanh Sơn- UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Điện Biên Đông
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên Đông, hiện nay tỷ lệ hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,6%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 16,39% (trong đó: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung: đạt 5,59%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình: đạt 10,8%). Hiện tại, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 216 công trình nước sinh hoạt (02 công trình nước sạch và 214 công trình cấp nước nông thôn tập trung, chủ yếu là nước tự chảy); trong đó có 92 công trình đang hoạt động hiệu quả (chiếm 42,6%), 65 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 30,1%) và 59 công trình không hoạt động (chiếm 27,3%). Giai đoạn từ năm 2021-2024, đã được sửa chữa, nâng cấp được 20 công trình; đầu tư xây dựng mới 05 công trình với quy mô nhỏ, công nghệ lọc đơn giản, nguồn nước đầu vào chủ yếu là nguồn nước ngầm, nước suối. Tổng vốn đầu tư, sửa chữa là 36.292 triệu đồng. Trong đó: Số công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương là 07 công trình, với tổng kinh phí: 15.568 triệu đồng; số công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh là 01 công trình, với tổng kinh phí: 650 triệu đồng; số công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách huyện là 09 công trình, với tổng kinh phí: 11.612 triệu đồng. Số công trình được đầu tư từ nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 08 công trình, với tổng kinh phí: 8.462 triệu đồng.

Tổ giám sát số 2 kiểm tra công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Tìa Ló A, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông
Tuy nhiên, một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã bị xuống cấp, hoạt động ở mức trung bình, một số công trình hiện không hoạt động do nguồn nước bị cạn kiệt. Công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại một số bản trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, cộng đồng thôn, bản chưa thường xuyên sửa chữa những hỏng hóc nhỏ; việc bảo vệ đầu nguồn nước của các xã còn rất hạn chế, chưa thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn, vẫn còn tình trạng người dân phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu ở khu vực sản xuất gần nguồn nước. Các xã, thị trấn chưa sâu sát trong quản lý, kiểm tra, giám sát và chưa quy định chế tài xử lý các hành vi xâm phạm các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn. Các tổ quản lý, vận hành khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình tại một số cơ sở chưa được thường xuyên.
Thông qua Đoàn giám sát, UBND huyện Điện Biên Đông đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho các Tổ quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp nước để bảo đảm duy trì hoạt động bền vững cho các công trình sau đầu tư.

Tổ giám sát kiểm tra công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Nậm Ngám A xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông
Qua kiểm tra thực tế công trình quản lý, cấp nước sinh hoạt tại bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi, công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Tìa Mùng A, bản Tìa Ló A, B xã Nong U và nhà máy nước huyện Điện Biên Đông, Tổ giám sát đề nghị cấp cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt; đặc biệt tuyên truyền huy động sự tham gia của cả cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ nguồn nước; chấm dứt tình trạng phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ khu vực sản xuất gần đầu nguồn nước tự chảy. Huyện cần ưu tiên sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng; đối với những khu vực dân cư sống phân tán, cần có những công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng khoan, bể chứa nước mưa để bảo đảm chất lượng nước, an toàn sức khỏe cho nhân dân./.
Tin, ảnh: Nguyễn Dung