
Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Nậm Pồ
Huyện Nậm Pồ hiện có 108 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó 92 công trình hoạt động hiệu quả (chiếm 85%), 3 công trình hoạt động kém và 13 công trình ngừng hoạt động. Giai đoạn 2021-2024, huyện đã đầu tư xây mới 1 công trình, nâng cấp và sửa chữa 33 công trình với tổng kinh phí 103,26 tỷ đồng. Các công trình sau đầu tư được bàn giao, quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thành lập 121 tổ, hội dùng nước với 218 thành viên để quản lý và khai thác công trình.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực địa tại các xã Pa Tần và Nà Hỳ, Tổ giám sát đã ghi nhận tình trạng hư hỏng các hạng mục, thiết bị ở một số công trình nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, vận hành công trình còn hạn chế. Vai trò của chính quyền cấp xã trong việc kiểm tra, rà soát và kịp thời sửa chữa công trình chưa được phát huy đúng mức, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công trình.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát thực tế tại công trình nước sinh hoạt bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ
Trong quá trình làm việc, Tổ giám sát và lãnh đạo UBND huyện đã thảo luận về các vấn đề như nguyên nhân khiến công trình hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động, giải pháp cung cấp nước cho các hộ dân ở khu vực bị ảnh hưởng, biện pháp nâng cao năng lực các tổ quản lý công trình, các mô hình quản lý công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; chất lượng nước; đánh giá hiệu quả các công trình; huy động vốn đầu tư và nâng cấp hệ thống...
Thống nhất các nội dung tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý các công trình; thường xuyên kiểm tra, rà soát và kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý thông qua đào tạo và xây dựng cơ chế vận hành rõ ràng; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong sử dụng, bảo vệ công trình và nguồn nước đầu nguồn; thực hiện kiểm định chất lượng nước định kỳ; thanh lý các công trình xuống cấp không còn sử dụng được theo đúng quy định./.
Tin, ảnh: Đức Phúc