Đoàn ĐBQH tỉnh  

Đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo được thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Cập nhật ngày 23/10/2024 16:16:36 PM - Lượt xem: 126

Đó là đề xuất của Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vào chiều nay (23/10).


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chủ trì Phiên thảo luận

Điều 90 dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) quy định, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; thực hiện các công trình, hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị di tích do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục; thực hiện các công trình, hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị di tích cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ; mua và đưa cổ vật, di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua và hoàn thiện các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị của Việt Nam cho các bảo tàng công lập.

Theo Thượng toạ Thích Đức Thiện, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để thực hiện hỗ trợ các hoạt động nêu trên là rất cần thiết. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 40.000 di tích vật thể các loại, 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu. Đây vừa là niềm tự hào dân tộc, vừa là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các địa phương cũng đã dành nguồn lực cho công tác phục hồi, tôn tạo các di tích nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên thì thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế”, Thượng toạ Thích Đức Thiện nhận định.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

Minh chứng cho nhận định trên, Thượng toạ Thích Đức Thiện dẫn chiếu, hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang bị xuống cấp trầm trọng, đang bị mai một, thất truyền ở một số địa phương vì không có kinh phí tu bổ và duy trì. Một số di tích thực sự “kêu cứu” như di sản Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ 9, đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Không chỉ Phật viện Đồng Dương mà hiện nay còn có rất nhiều các di tích đang ở trong tình trạng như vậy cần sự quan tâm và nguồn lực để khôi phục, tôn tạo nhằm phát huy giá trị lịch sử, phục vụ đời sống.

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ra đời để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động như đã nêu trong dự thảo Luật khi ngân sách nhà nước chưa để đáp ứng được. Thời gian qua đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực lớn cho công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử văn hóa.

Từ thực tế tham gia trực tiếp vào việc trùng tu các di tích, Thượng toạ Thích Đức Thiện cho rằng nếu Quỹ bảo tồn di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản Quốc gia, với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo bảo đảm phục hồi tối đa các giá trị gốc của di tích, thuận lợi trong việc cấp phép xây dựng công trình di tích…và việc quản lý, điều hành, sử dụng, phân phối Quỹ bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, chi tiết, cụ thể, tạo niềm tin cho các nhà tài trợ thì sẽ thu hút nguồn lực ủng hộ, đóng góp cho Quỹ. Ngoài ra, Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù, có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa, có như vậy mới huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho Quỹ. Ở một số quốc gia đã thực thi việc miễn giảm các khoản thuế, phí cho những doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho các khoản phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về nước trong chiến lược hồi hương cổ vật.

Về thẩm quyền thành lập Quỹ, dự thảo luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Thượng toạ Thích Đức Thiện đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận được phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để góp phần tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Đề xuất Bảo hiểm y tế chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi
Đoàn ĐQBH tỉnh Điện Biên tiếp xúc cử tri với đoàn viên công đoàn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị TXCT chuyên đề lấy ý kiến xây dựng Luật trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Giám sát phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo
Bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát tại huyện Mường Chà
ĐBQH tỉnh trao kinh phí hỗ trợ Nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bị thiệt hại do lũ quét