Qua báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2021, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là: Trong lĩnh vực thẩm định, phê duyệt dự toán, tỉnh đã phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, công khai tài chính ngân sách, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp chỉ đạo, điều hành ngân sách bám sát dự toán được giao, đồng thời chủ động điều chỉnh, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng thêm thu nhập cho người lao động; Thực hiện việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc đảm bảo đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định, đồng thời ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện một cách hiệu quả, tiết kiệm; Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, các cấp, các ngành đã tăng cường quản lý đầu tư các công trình, dự án, rà soát các công trình không hiệu quả để có giải pháp khắc phục, ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp thiết. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung về thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách; đầu tư; quản lý đất đai; tinh giản biên chế; khoa học công nghệ… đã được thành viên Đoàn giám sát và UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trao đổi, làm rõ.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá: Về cơ bản, các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát; chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Vẫn còn có hiện tượng buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng nguồn lực, một số nội dung còn tồn đọng trong thời gian dài tạo dư luận không tốt trong nhân dân thuộc lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng…; Một số dự án đầu tư công, dự án sử dụng ngân sách nhà nước chậm tiến độ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, có nơi có sai phạm, tiêu cực đến mức phải xử lý hình sự. Công tác thanh, quyết toán một số công trình, dự án chưa đảm bảo thời gian theo quy định, kéo dài gây thất thoát, lãng phí; Công tác phòng ngừa, tự phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra của một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, sức chiến đấu chưa cao, còn nể nang. Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, đồng thời có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã nhận diện được một số vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật, của trung ương gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đưa vào báo cáo kết quả giám sát của Đoàn để phản ánh với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan./.
Tin, ảnh: Mai Hồng