Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tính đến ngày 31/5/2018 số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh là 13.863 người (cấp tỉnh, cấp huyện là 10.353 người, cấp xã là 2.385 người), Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% tổng số cán bộ, công chức cấp xã. Giai đoạn 2015-2017 toàn tỉnh có 132 học sinh trúng tuyển và tham gia nhập học tại các cơ sở giáo dục; 140 sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường, trong đó đã bố trí việc làm cho 62 sinh viên, đạt 44,3%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, đã cử 71.955 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc… Công tác quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính được tăng cường. Các thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền được chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn gần 20% cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 4/10 huyện, thị xã, thành phố chưa đạt chỉ tiêu theo quy định tại Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 942 của UBND tỉnh Điện Biên. Số lượng sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển chưa bố trí được việc làm trong giai đoạn 2015-2017 là 78 em, chiếm tỷ lệ 55,7%...
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó trường đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Sở Nội vụ./.
Mai Hồng