Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình, nhận thức của cán bộ đảng viên về “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” đã dần được nâng nên, huyện đã từng bước phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân gắn với xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 4 sảm phẩm tham gia Chương trình OCOP được tỉnh công nhận 3 sao gồm: bí xanh xã Tìa Dình, lạc đỏ xã Na Son, khoai sọ xã Phì Nhừ, thịt khô của HTX nông nghiệp CCO. Hiện nay đã có 108 hộ thuộc 05 bản của xã Tìa Dình trồng bí xanh với diện tích 81,6 ha, sản lượng dự ước: 204 tấn; có 42 hộ thuộc 10 bản của xã Phì Nhừ trồng khoai sọ với diện tích 05 ha, sản lượng dự ước: 43,5 tấn; có 543 hộ thuộc 09 bản của xã Na Son trồng lạc với diện tích 27 ha, sản lượng 35,1 tấn.
Tại buổi làm việc các đại biểu đề nghị huyện Điện Biên Đông làm rõ thêm về một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình OCOP như: Khó khăn trong việc phát triển mở rộng vùng nguyên liệu; quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản; việc hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; quy trình bảo quản, chế biến sản phẩm còn thô sơ, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh làm rõ các nội dung do đoàn khảo sát yêu cầu, huyện Điện Biên Đông kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã quan tâm hướng dẫn thành lập các HTX và tập huấn cho các xã viên HTX; đề nghị các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông và các xã, thị trấn tăng cưởng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các chủ thể tham gia, hợp tác xã, doanh nghiệp để đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm trong từng khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu dùng. Đề nghị chính quyền huyện Điện Biên Đông cần phát huy vai trò bệ đỡ, ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách để các chủ thể phát triển bền vững các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ chính quyền các xã, chủ thể kinh tế trên về tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP địa bàn huyện Điện Biên Đông.
Tin, ảnh: Trung Hiếu