Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên luôn khẳng định sự phối hợp trong công tác với Đoàn đại biểu Quốc hội chính là góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đặc biệt quan tâm thực hiện công tác phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực trên những lĩnh vực công tác cụ thể sau:
* Về công tác giám sát:
Tuy phạm vi giám sát có khác nhau, nhưng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có chung đối tượng, chung địa bàn. Chính vì vậy sự phối hợp giám sát giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội vừa không trùng lắp về nội dung, địa bàn, đối tượng, thời gian tiến hành giám sát và sẽ tạo được sự thống nhất việc đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và với chính quyền các cấp.
Qua phối hợp giám sát để những kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân được phản ánh tập trung, trở thành những kiến nghị chung của tỉnh Điện Biên, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chuyển các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét giải quyết và sẽ sớm được quan tâm giải quyết hơn. Đồng thời sự phối hợp đó nhằm tạo điều kiện để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phương thức tiến hành giám sát và phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả giám sát...
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, sự phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã được thể hiện từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Hàng năm, trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã dự kiến Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm trước, quyết định Chương trình giám sát của mình và điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân. Trong Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh hàng năm bao hàm các nội dung giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, điều này đã tạo sự chủ động trong phối hợp giám sát giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội. Về phương thức phối hợp trong giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ yếu là cử đại diện tham gia Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Kết quả Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã phối hợp tham gia với Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh 15 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó: 07 chuyên đề giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội, 03 chuyên đề theo chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 05 chuyên đề giám sát theo chương trình của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Được Đoàn đại biểu Quốc hội mời tham gia Đoàn giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công các đồng chí trong Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân trực tiếp tham gia cùng Đoàn đi giám sát tại cơ sở, làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan. Qua giám sát thực tế, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội những ý kiến đánh giá, tổng hợp các kiến nghị đề xuất để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và gửi đến các Bộ ngành liên quan.
* Về phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến vào các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác:
Đây là công việc rất quan trọng, bởi lẽ, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, dự án pháp lệnh không đơn thuần chỉ là việc tham gia ý kiến bổ sung, sửa đổi nội dung các dự án cho phù hợp thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội, mà điều quan trọng hơn đây là dịp để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho các đối tượng được lấy ý kiến và cho đại biểu dân cử ở địa phương, chính vì vậy đã được Thường trực Hội đồng nhân dân đặc biệt quan tâm thực hiện. Căn cứ yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến tham gia vào từng dự án luật, dự án pháp lệnh theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó xác định rõ những yêu cầu và nội dung trọng tâm cần tham gia ý kiến, xác định đối tượng lấy ý kiến tham gia vào nội dung từng dự án luật, pháp lệnh cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác này; quy định về thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân; phân công các cơ quan chuyên môn giúp việc trong quá trình theo dõi, tổng hợp các ý kiến tham gia vào từng dự án luật; cung cấp tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và tham gia các dự án luật. Đối với các dự án luật, pháp lệnh được Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tham gia ý kiến, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân có chuyên môn về nội dung điều chỉnh của Luật, pháp luật và phân công Ban của Hội đồng nhân dân nghiên cứu, tham gia ý kiến cùng Đoàn đại biểu Quốc hội. Từ năm 2016 đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tham gia 68 dự án luật với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, trình tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV.
* Về công tác tiếp xúc cử tri và tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân:
Đây là công việc có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Khi đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh cử đại diện tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình. Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong mỗi đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổng hợp chuyển UBND tỉnh trả lời tại kỳ họp, đồng thời gửi Đoàn đại biểu Quốc hội để Đoàn nắm được ý kiến và nguyện vọng của cử tri địa phương và tổng hợp những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương để từ đó kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương trả lời, giải quyết.
Mặt khác, những ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để phối hợp trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm trong việc trả lời và giải quyết các kiến nghị đó.
Đối với những đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân đã quan tâm trao đổi thông tin về việc giải quyết của các cơ quan chức năng, cùng nhau xem xét, trao đổi những nội dung đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý, từ đó có cơ sở để thông báo cho công dân biết hoặc có biện pháp giải quyết tiếp theo quy định của pháp luật.
* Các hoạt động phối hợp khác với Đoàn ĐBQH tỉnh:
Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã mời các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh dự để nắm tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh; tham gia ý kiến vào các vấn đề về quản lý nhà nước tại địa phương; thông báo kết quả các kỳ họp của Quốc hội và những Nghị quyết của Quốc hội. Tại các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã mời lãnh đạo chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và tham gia ý kiến vào những nội dung Thường trực HĐND tỉnh thông qua tại các phiên họp.
Để chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh được mời tham dự cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để trao đổi thông tin về tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh và đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Quốc hội, làm cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia với Quốc hội xem xét tại kỳ họp.
Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xin đề xuất, kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội một số vấn đề sau:
- Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQ VN, ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định “Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri” mà chưa quy định cụ thể mối quan hệ phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri như thế nào, đề nghị bổ sung, làm rõ hơn về mối quan hệ phối hợp này?
- Cần ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND tỉnh, trong đó xác định rõ các nội dung phối hợp trong công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tham gia ý kiến, góp ý dự thảo Luật....
- Tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân tỉnh giúp cho Hội đồng nhân dân có căn cứ và tư liệu cần thiết khi tiến hành giám sát tại địa phương.
- Định kỳ mở lớp tập huấn về kinh nghiệm và kỹ năng giám sát cho Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh./.
Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh