Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, góp phần vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân

Cập nhật ngày 29/03/2021 22:32:00 PM - Lượt xem: 256


Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu HĐND. Đây là hoạt động thông tin hai chiều, trong đó đại biểu HĐND có vai trò quan trọng là người truyền tải những chủ trương, quyết sách của cấp ủy, chính quyền đến Nhân dân; là người tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của Nhân dân và đại diện cho Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Tiếp xúc cử tri cũng là phương thức chủ yếu để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; thông qua người đại diện, cử tri gián tiếp tham gia vào quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu và cử tri trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm cũng như những vấn đề đang bức xúc, nổi cộm tại địa phương, cơ sở và đề xuất ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của mình với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết. Qua tiếp xúc cử tri, giúp cho đại biểu HĐND tỉnh có thêm những thông tin cần thiết, có thêm các căn cứ thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu, góp phần quan trọng giúp đại biểu quyết nghị các nội dung trình tại kỳ họp HĐND, quyết định ban hành các Nghị quyết thể chế hóa chủ trương, chính sách của cấp ủy sát thực tiễn, hợp lòng dân. Đây cũng là diễn đàn để đại biểu HĐND xem xét, đánh giá các chủ trương, chính sách đã được ban hành có đi vào thực tiễn cuộc sống của Nhân dân hay không. Do đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp phần quan trọng vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp tổ chức cho các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại 426 điểm, với 26.878 cử tri trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố; tổng hợp 4.272 ý kiến, kiến nghị, trong đó có 462 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh và các Bộ ngành Trung ương, đã được Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến UBND tỉnh xem xét giải quyết, trả lời hoặc kiến nghị với Trung ương xem xét giải quyết theo quy định.

Về hình thức tiếp xúc cử tri, bên cạnh việc tổ chức tiếp xúc cử tri bằng các hội nghị trước và sau kỳ họp, các đại biểu đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú; có sự phối hợp giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong việc tiếp xúc cử tri; địa bàn, đối tượng, phạm vi tiếp xúc cử tri được mở rộng, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri không chỉ tập trung ở trung tâm cấp xã mà được mở rộng đến tận các thôn, bản, tổ dân phố hoặc các khu dân cư. Tổ đại biểu HĐND đã chia thành các nhóm để tiếp xúc ở nhiều điểm hơn; đối tượng tiếp xúc tập trung vào cử tri tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, lực lượng vũ trang để thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, trả lời cử tri.

Công tác chỉ đạo tổng hợp, giải quyết, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo luật định. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành 09 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh; ban hành 08 nghị quyết về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kết quả: 100% các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu, trả lời, đảm bảo về nội dung và thời gian theo quy định của pháp luật; trong đó, trên 90% kiến nghị cử tri đã giải quyết xong hoặc đang giải quyết và xác định rõ thời hạn giải quyết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: kỹ năng tiếp xúc cử tri của một số đại biểu còn hạn chế, phương pháp tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chưa gợi mở được vấn đề để cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Hầu hết ý kiến, kiến nghị cử tri thường phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của cá nhân, gia đình, ít ý kiến góp ý cho HĐND các cấp trong xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách chung của địa phương. Việc tổng hợp, phân loại, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng có việc chưa kịp thời, quyết liệt. Việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri có cơ quan, đơn vị còn chậm, một số việc chưa giải quyết xong theo thời gian đã xác định trong Nghị quyết của HĐND tỉnh, qua nhiều lần giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Việc theo dõi, thông tin đến cử tri những vấn đề đã được giải quyết đôi lúc chưa kịp thời.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, góp phần vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân, cần tiếp tục đổi mới cả nội dung và hình thức tiếp xúc cử tri, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, trên cơ sở kế hoạch, đề cương, đại biểu HĐND cần nghiên cứu, chuẩn bị lựa chọn nội dung, những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri để thông báo tới cử tri đảm bảo ngắn gọn, phù hợp với địa bàn tiếp xúc và đối tượng cử tri; định hướng, gợi mở, dành thời gian hợp lý cho cử tri tham gia ý kiến và kiến nghị các vấn đề mà cử tri quan tâm, nhất là các nội dung dự kiến trình kỳ họp HĐND tỉnh thông qua mà người dân là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động, để đại biểu có thêm cơ sở xem xét, quyết định tại kỳ họp. Ngoài ra, đại biểu cũng cần dự liệu trước những vấn đề “nóng” có thể nảy sinh để chuẩn bị phương án xử lý; trong quá trình tiếp xúc đại biểu cần tạo không khí thân mật, gần gũi, thái độ ứng xử bình tĩnh, tự tin và có chính kiến rõ ràng. Về hình thức tiếp xúc cử tri, cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, khoa học việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, tại nơi cư trú, nơi làm việc. Tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, khu dân cư, nhất là những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Thứ hai, UBND các cấp cử đại diện lãnh đạo tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để nghe, tiếp thu ý kiến và giải trình những kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình; thực tiễn cho thấy, khi có đại diện của UBND các cấp và lãnh đạo các đơn vị liên quan tham dự các buổi tiếp xúc cử tri thì hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền được trả lời trực tiếp, kịp thời; đối với những kiến nghị liên quan đến sửa đổi cơ chế, chính sách hoặc nguồn lực không thể giải quyết ngay... thì được trao đổi, giải thích, cung cấp thêm thông tin, để cử tri hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ ba, đại biểu HĐND nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri; nắm chắc các quy định của pháp luật và các chính sách của địa phương để kịp thời giải đáp cho cử tri.

Thứ tư, đổi mới công tác tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, các đại biểu cần làm tốt việc phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ý kiến nào thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã thì giao cho cấp huyện, cấp xã trả lời, làm rõ; ý kiến nào thuộc thẩm quyền của đại biểu có thể trả lời ngay thì làm rõ cho cử tri ngay tại hội nghị; các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, của trung ương thì đại biểu tiếp thu, tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan trung ương xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Những kiến nghị liên quan tới nội dung sẽ trình tại kỳ họp, nếu thấy phù hợp thì lựa chọn đưa vào báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, làm cơ sở cho đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

Thứ năm, nâng cao nhận thức của cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, xác định việc giải quyết là trách nhiệm, yêu cầu bắt buộc, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi không giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng quy định các kiến nghị của cử tri. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND, Thường trực HĐND tỉnh xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri có đúng quy định của pháp luật, phù hợp, kịp thời và có đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri hay không. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh vào Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương./.

Nguyễn Tiến Thành
Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đưa chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa
Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái
Mường Phăng - khát vọng vươn tới tương lai
Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV Trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ
Ban Dân tộc HĐND nhất trí trình HĐND tỉnh Về chủ trương đầu tư dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
Đồng chí Lò Văn Phương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chúc tết các đơn vị và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Mường Chà
Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Một số quy định mới về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương