Nhiệm kỳ 2016 - 2021 cử tri tỉnh Điện Biên đã bầu đủ 51 đại biểu với cơ cấu theo dự kiến. Trong đó, đại biểu tái cử 17 người, chiếm 33,33%; đại biểu nữ 15 người, chiếm 29,41%; dân tộc thiểu số 28 người, chiếm 54,9%; tuổi trẻ 07 người, chiếm 13,72%; ngoài Đảng 04 người, chiếm 7,84%; 98,04% đại biểu có trình độ từ đại học trở lên; 92,15% đại biểu có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; đại biểu khối cơ quan hành chính nhà nước giảm so với nhiệm kỳ trước. Đây là điều kiện thuận lợi để HĐND tỉnh thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vị đại biểu HĐND luôn nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm tích cực hoàn thiện kỹ năng hoạt động, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Tại kỳ họp, đa số đại biểu tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, góp phần giúp HĐND có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế chính sách của tỉnh. Trong hoạt động chất vấn, một số đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc và những lĩnh vực mà đại biểu cũng như cử tri đang quan tâm, đồng thời kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả. Trong hoạt động giám sát, các đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục, nên chất lượng hoạt động giám sát ngày được nâng lên. Trong tiếp xúc cử tri, đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan và với Thường trực HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Đạt được kết quả này, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã quan tâm triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như:
Một là, phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là công tác cán bộ: Thực tiễn cho thấy, nơi nào được quan tâm giới thiệu người tham gia đại biểu đúng tầm, có đủ năng lực, trình độ thì nơi đó chất lượng hoạt động của HĐND được nâng lên. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND thì trước tiên cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa “cơ cấu và chất lượng đại biểu”. Trong nhiệm kỳ qua, cơ cấu của HĐND tỉnh Điện Biên đã giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước, tăng số lượng đại biểu thuộc khối đảng, đoàn thể, hội đặc thù... Người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh vừa đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định, vừa đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; đại biểu ngoài Đảng được quan tâm giới thiệu người có uy tín trong cộng đồng.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND: Nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh Điện Biên có gần 70% đại biểu mới tham gia đại biểu dân cử lần đầu và đa phần hoạt động kiêm nhiệm, nên kinh nghiệm hoạt động dân cử, đặc biệt là kinh nghiệm và thời gian giành cho hoạt động giám sát của đại biểu HĐND không nhiều. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã tăng cường phối hợp với Ban Công tác đại biểu của UBTVQH tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh, với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng giám sát, nâng cao năng lực hoạt động và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu HĐND; cử đại biểu tham gia tập huấn theo chương trình của Bộ Nội vụ; yêu cầu các cơ quan nơi đại biểu công tác bố trí thời gian cho đại biểu tham gia hoạt động HĐND.
Ba là, đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu: Thông tin đối với đại biểu là rất quan trọng, thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu tính chính xác thì việc xem xét, đánh giá và đề xuất của đại biểu đều không đúng và không trúng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. Để giúp đại biểu tiếp cận thông tin nhanh nhất, các tài liệu kỳ họp và văn bản điều hành của HĐND được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo gửi cho đại biểu HĐND qua hệ thống thư điện tử và đăng tải trên cổng thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của HĐND đã được chú trọng, đặc biệt là việc tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp các kỳ họp HĐND đã tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi kỳ họp, góp phần mở rộng dân chủ, công khai về các hoạt động của HĐND, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu và các cơ quan hữu quan.
Bốn là, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND: Hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên trong những năm qua luôn được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của pháp luật, của công cuộc đổi mới và mong mỏi của nhân dân; việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát chưa cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức chưa đầy đủ, thống nhất và đúng đắn về vị trí, vai trò của đại biểu HĐND, số ít đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của đại biểu. Việc đổi mới nhận thức về vai trò của đại biểu HĐND có ý nghĩa hàng đầu trong số các phương hướng đổi mới hoạt động của đại biểu, vì vậy, trong thời gian qua Thường trực HĐND tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn, giao ban, chất vấn, giải trình nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của đại biểu HĐND; các đại biểu đã chủ động học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng; quy định về điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đại biểu HĐND không đồng nhất; đại biểu giữ cương vị lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện trách nhiệm đại biểu có lúc không trách khỏi tình trạng “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong hoạt động giám sát, vừa là chủ thể giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn lúng túng trong việc thể hiện quyền, trách nhiệm của mình. Trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh có đại biểu thiếu bản lĩnh, hiểu biết pháp luật chưa sâu sắc, toàn diện nên chưa tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp HĐND. Việc thực hiện chất vấn mới chỉ tập trung chủ yếu ở những đại biểu chuyên trách, có đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu cung cấp, làm rõ thông tin, chưa phát hiện đúng và trúng vấn đề cần chất vấn. Hoạt động tiếp xúc cử tri mới chỉ tập trung trước và sau kỳ họp theo phân công của tổ đại biểu; thành phần chủ yếu là cử tri đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của thôn, xã; chưa tiếp xúc nhiều ở nơi cư trú, nơi làm việc; việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những vấn đề cử tri quan tâm còn ít; nội dung tiếp xúc cử tri chủ yếu là thông qua các văn bản báo cáo; việc đối thoại, trao đổi với cử tri còn hạn chế... việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chưa được quan tâm đúng mức; việc đặt câu hỏi chất vấn, giải trình chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện….. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đề nghị:
1. Tập trung thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phương thức, cách thức hoạt động của đại biểu HĐND từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá, biểu quyết thông qua nghị quyết. Muốn làm tốt việc việc đó cần bám sách nghị quyết của Đảng và đời sống xã hội, đặc biệt là công tác cán bộ, trọng đó tập trung chuẩn bị cơ cấu, thành phần tham gia đại biểu HĐND giai đoạn 2021 – 2026.
2. Cá nhân từng Đại biểu HĐND cần dành thời gian hoạt động HĐND đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải thực hiện đúng Chương trình hành động của mình trước cử tri. Trong hoạt động, cần phát huy tính chủ động khi tiếp cận vấn đề, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; nắm bắt thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của cử tri để có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị phù hợp mang lại lợi ích chung cho nhân dân.
3. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của đại biểu HĐND là do một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, phù hợp với thực tiễn, như: chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục giám sát của Tổ đại biểu HĐND; quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên do kỳ họp HĐND diễn ra trong thời gian ngắn, vì vậy thời gian cho việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào Dự thảo nghị quyết hầu như không có; chưa quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của đại biểu HĐND.... Như vậy, để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của đại biểu HĐND đề nghị quy định cụ thể về hoạt động giám sát và các chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của đại biểu HĐND; quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn...
4. Để hoạt động của đại biểu đạt hiệu quả, trước hết thông tin phục vụ cho hoạt động phải mang tính khách quan, khoa học, độc lập và kịp thời được xử lý từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể từ các cơ quan chấp hành; từ tổ chức chính trị - xã hội; từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát. Khi có đầy đủ thông tin sẽ giúp đại biểu HĐND phân tích, đánh giá đầy đủ, đúng đắn, khách quan và kiến nghị các biện pháp giải quyết phù hợp; đại biểu tự tin hơn trong biểu quyết. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Để làm được điều này cần phải có công cụ hỗ trợ cho đại biểu HĐND, trong khi UBTVQH không quy định cụ thể phương tiện, định mức trang bị phương tiện đảm bảo phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, mà giao cho HĐND tỉnh quyết định, dẫn đến một số tỉnh khó khăn trong triển khai, thực hiện, đề nghị UBTVQH quy định cụ thể phương tiện, định mức trang bị phương tiện đảm bảo phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND.
5. Ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để động viên, kích lệ đại biểu chuyên trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ban hành chế độ thi đua – khen thưởng đối với đại biểu dân cử. Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND có chất lượng./.
Lê Hoài Nam
Ủy viên Thường trực - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh