Nghiên cứu - Trao đổi  

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày 29/03/2021 22:32:19 PM - Lượt xem: 256


Triển khai Luật Công chứng số 53/2014/QH13; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản của các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định của Pháp luật về công chứng, chứng thực, như: ban hành Kế hoạch triển khai Luật, Nghị định; Quy chế quản lý khai thác và sử dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực; Quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên phạm vi toàn tỉnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện cũng như thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tìm hiểu các thông tin về hoạt động công chứng, chứng thực để tổ chức, cá nhân lựa chọn nơi yêu cầu công chứng, chứng thực.

Dưới sự quan tâm của Đảng, nhà nước về chủ trương xã hội hóa công chứng, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành lập và phát triển các Văn phòng công chứng, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, phục vụ nhu cầu của Nhân dân, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng, đồng thời chỉ đạo các ngành chuyên môn, tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của pháp luật trong thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch ở UBND cấp xã nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân đến thực hiện giao dịch dân sự được thuận lợi….

Thông qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về hoạt động công chức, chứng thực trên địa bàn tỉnh cho thấy: giai đoạn 2015-2019 hoạt động công chứng, chức thực trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức hành nghề công chứng đã tiếp nhận và thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch: 41.159 việc, chứng thực bản sao, chữ ký: 63.867 việc. Tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã chứng thực bản sao: 2.315.123 bản, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 37.234 việc; chứng thực chữ người dịch: 403 việc; chứng thực hợp đồng giao dịch: 27.401 việc. Việc thu nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng, chứng thực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương bảo đảm đúng theo quy định. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 12.696.983.000đ, trong đó các Tổ chức hành nghề công chứng nộp 3.252.018.000 đồng; UBND cấp huyện, cấp xã nộp 9.444.902.000đ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Quy mô của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh nhỏ, số lượng công chứng viên ít, tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ;

Số lượng cử nhân luật tham gia đào tạo nghề công chứng rất ít, nên việc tạo nguồn công chứng viên của tỉnh gặp nhiều khó khăn; số lượng biên chế tại một số cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực còn thiếu so với nhu cầu thực tế phải thực hiện quản lý nhiều lĩnh vực; công chức Tư pháp - Hộ tịch tại một số xã bố trí chưa đảm bảo theo quy định; một số công chức mới được tuyển dụng nên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động công chứng, chứng thực tại một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo nhu cầu phục vụ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ về công chứng, chứng thực; Cơ sở dữ liệu thông tin chung về công chứng đã được triển khai, tuy nhiên thiếu sự liên kết giữa các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan liên quan để chia sẻ thông tin; ngăn chặn những rủi ro…

Để thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về công chức, chứng thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền cũng như triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong công chứng, chứng thực trên địa bàn toàn tỉnh cần quan tâm, thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất: UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần quy định chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Quan tâm, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh mở lớp đào tạo nghề công chứng tại địa phương để phát triển đội ngũ công chứng viên. Ban hành quy định cho các đơn vị cấp xã được trích tỷ lệ % số phí thu được từ công tác chứng thực để phục vụ cho việc tổ chức thực hiện công tác chứng thực.

Quan tâm phát triển nguồn Công chứng viên, bố trí kinh phí để mở lớp đào tạo nghề công chứng tại tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian tới. Đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND, ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế cung cấp, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Thứ hai: Các sở, ngành tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chứng thực; đôn đốc thực hiện cung cấp, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực; xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản và liên thông với cơ sở dữ liệu công chứng; thực hiện việc thu, nộp phí công chứng, chứng thực qua phần mềm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý và phòng ngừa hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng; tham mưu mở lớp đào tạo nghề công chứng tại địa phương, để theo lộ trình xã hội hóa công chứng trên địa bàn đến năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 01 tổ chức hành nghề công chứng.

Thứ ba: Ủy ban nhân dân cấp huyện, bố trí biên chế công chức phòng tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch bảo đảm theo quy định; triển khai thực hiện công tác cung cấp, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác công chứng, chứng thực tại cơ sở….

Thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ giúp cho hoạt động công chức, chứng thực trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.                                                                                       

Đỗ Thị Luyến
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Điện Biên: thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, góp phần vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đưa chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa
Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái
Mường Phăng - khát vọng vươn tới tương lai
Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV Trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ
Ban Dân tộc HĐND nhất trí trình HĐND tỉnh Về chủ trương đầu tư dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
Đồng chí Lò Văn Phương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chúc tết các đơn vị và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Mường Chà