Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng về các loại hình di sản văn hóa góp phần làm phong phú thêm về bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước về văn hóa nói chung, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn đồng thời tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục, tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cả về vật chất và tinh thần.
Để cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc thành các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 làm cơ sở để UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phù hợp, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: 10/10 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích; có 25/67 di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; có 9/24 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi; kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa của 18/19 dân tộc, trong đó có 11/19 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy; 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 02 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam); 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghệ thuật Xèo Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái trắng tại bản Na Lát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội Đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà)…; đặc biệt, toàn tỉnh có 28 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và đang tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 26 nghệ nhân. Tiến hành bảo tồn và phục dựng một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc như: “Lễ cúng bản” của dân tộc Khơ Mú; “Lễ cầu mùa” của dân tộc Si La; “Lễ nhảy lửa” của dân tộc Dao; “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào; Lễ hội Đua thuyền đuôi én của dân tộc Thái… Việc bảo tồn và lưu truyền nhạc cụ của các dân tộc như Khèn, sáo trúc, đàn tính tẩu, nhị… tiếp tục được quan tâm bảo tồn và truyền dạy.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng biên giới, các địa phương trong tỉnh đã duy trì tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc trong các dịp lễ, tết... nhằm cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc tích cực, tự giác tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Một số địa phương bước đầu đã khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng vừa thu hút được đông đảo du khách, vừa bảo tồn, lưu giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nổi bật như: bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ; Bản Ten xã Thanh Xương, Bản Mển xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; Bản Na Lát, Bản Nậm Cản, phường Na Lay, Thị xã Mường Lay…
Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện, nhất là hạ tầng, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 693 nhà văn hóa (cấp tỉnh 01; cấp huyện 10; xã 129; thôn, bản, tổ dân phố 553), nhiều sân vận động và nhà luyện tập thể dục thể thao trên địa bàn các huyện, thành phố được đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động; thành lập 01 câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 01 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên; các đội văn nghệ tại các thôn, bản, tổ dân phố được thành lập và duy trì hoạt động. Công tác giáo dục, tuyên truyền di sản văn hóa cho học sinh ở các cấp học và việc bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người, chữ viết của dân tộc Mông và dân tộc Thái được quan tâm; xây dựng gia đình văn hóa tại cộng đồng dân cư, trọng tâm là giữ gìn và phát huy đạo lý, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, con người Việt Nam; nâng cao chất lượng xây dựng bản, làng, khu dân cư văn hóa. Các địa phương quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước; các lễ hội, việc hiếu, hỷ được tổ chức theo nếp sống văn minh đảm bảo đúng quy định, đặc biệt là các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang của các dân tộc thiểu số từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa được xây dựng lành mạnh, tiến bộ, văn minh... qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 95% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng quy ước, hương ước; trên 66,3% hộ gia đình; 71,2% thôn, bản, tổ dân phố và trên 92% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức về công tác tuyên truyền đến nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nên có lúc, có nơi việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số chưa quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, ban ngành trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 chưa thường xuyên, chưa có quy chế phối hợp quản lý cụ thể giữa các ngành các cấp (còn một số chỉ tiêu chưa đạt như Tỷ lệ số thôn, bản, tổ dân phố được gắn biển tên mới đạt 38,37%; Tỷ lệ di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 41,4%...). Một số di sản văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Nội dung bảo tồn, phục dựng, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc chưa toàn diện, chưa rộng khắp, mới chỉ tập trung khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu, bảo tồn một số làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy văn hóa phi vật thể một số dân tộc; việc duy trì và phát huy sau bảo tồn, phục dựng chưa được chú trọng; một số loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang dần bị mai một chưa được quan tâm nghiên cứu bảo tồn…
Để tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong việc gắn bảo tồn, phát triển văn hóa với giữ vững, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chủ trương của Đảng, chính sách của chính phủ, tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phục dựng và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc đối với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước trong cộng đồng dân cư; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, làng bản và toàn xã hội; thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi các hủ tục, tập tục lạc hậu; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc cư trú thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện việc lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Hỗ trợ bảo tồn, phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; tổ chức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc cho thế hệ trẻ; tiếp tục bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số./.
Vừ Thị Liên
Ủy viên Thường trực,
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh