Với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự, Hội nghị đã nhận được 12 lượt phát biểu ý kiến tham gia, góp ý, về cơ bản, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành cũng như bố cục, nội dung của các Dự thảo Luật: Biên phòng Việt Nam; Bảo vệ môi trường; Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Đối với Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, có ý kiến cho rằng một số nội dung quy định tại Dự thảo Luật chưa phù hợp với Luật Biên giới quốc gia và Luật Ngân sách; đề nghị bổ sung chính sách của nhà nước ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định tạm dừng, hạn chế qua biên giới đối với cửa khẩu quốc tế…
Đối với Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, các ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung về nguyên tắc bảo vệ môi trường, chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường, báo cáo đáng giá tác động môi trường, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với bảo vệ môi trường….
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến tán thành với quy định nâng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực để tăng cường tính dăn đe, giáo dục, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh nội dung về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có ý kiến tán thành với quy định biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp cưỡng chế thi hành nhưng cần bổ sung quy định chặt chẽ điều kiện, thủ tục và thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Ý kiến khác lại cho rằng chỉ nên quy định đây là biện pháp ngăn chặn để bảo đảm đúng bản chất, góp phần kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Về việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Dự thảo Luật Cư trú các đại biểu cho rằng cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Mùa A Vảng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tham gia, góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý nhằm hoàn thiện các Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Mai Hồng – Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh