Qua giám sát cho thấy: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tạo điều kiện cho nông dân trên toàn tỉnh được áp dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt, sản lượng cao trong sản xuất; giúp người dân tiếp cận được với những thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường giống và sản phẩm, từ đó có thể tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn; nhiều mô hình mới có hiệu quả được nhân rộng. Chính sách hỗ trợ một phần kinh phí phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng nguồn thu nhập cho người nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh lương thực trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2014 - 2017, tổng kinh phí được phân bổ toàn tỉnh gần 89.971 tỷ đồng, các đơn vị, địa phương đã giải ngân hơn 83.333 tỷ đồng, thực hiện được 11/15 nội dung Nghị quyết đề ra. Trong đó, hỗ trợ hơn 1.600 giống cây lương thực như lúa, ngô, đậu tương; hỗ trợ 2.000 bịch nấm các loại. Kết quả thực hiện hỗ trợ nuôi trồng thủy sản đạt gần 1,2 triệu con cá giống các loại, với tổng diện tích hơn 59 ha tại các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé; cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho hơn 1.500 con bò mẹ. Trong 4 năm, toàn tỉnh hỗ trợ phát triển cây ăn quả cho 1 mô hình; hỗ trợ gần 161.000 giống cây trồng phân tán, như lát hoa, mỡ, thông. Hỗ trợ sản xuất cho 65 hộ dân và 1 tập thể tham gia góp đất trồng cao su, với tổng diện tích gần 35 ha. Công tác tập huấn đã tổ chức được khoảng 1.300 lớp về kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, với khoảng 32.000 lượt người tham gia...
.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện hỗ trợ sản xuất của các đơn vị còn nhiều bất cập như: chưa thực hiện hết nguồn vốn hỗ trợ; tỷ lệ giải ngân thấp như TP. Điện Biên Phủ, huyện Nậm Pồ, Mường Ảng; các nội dung hỗ trợ của các huyện chủ yếu tập trung vào giống cây trồng, còn các nội dung hỗ trợ mô hình lớn về chăn nuôi hầu hết chưa thực hiện; chưa quan tâm nhiều đến nâng cao năng lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu sản xuất; công tác tuyên truyền còn hạn chế dẫn đến nhiều người dân vẫn đang nhầm lẫn giữa chính sách này với chính sách khác; hầu hết các vùng sản xuất hiện nay đều chưa có quy hoạch vùng sản xuất, mà chủ yếu tự phát với các diện tích nhỏ lẻ, manh mún hoặc có sản phẩm thì không có thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh; một số đối tượng nuôi có thể phát huy lợi thế phát triển vẫn chưa được bổ sung hỗ trợ, trong khi đó một số sản phẩm đã được hỗ trợ phát triển sản xuất thì chưa hình thành được các chuỗi liên kết tiêu thụ, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, lợi nhuận mang lại chưa cao...
.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với cơ quan thường trực triển khai chính sách, đồng chí Vừ Thị Liên đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nêu cao trách nhiệm là cơ quan Thường trực thực hiện chính sách, cần có giải pháp chỉ đạo hiệu quả, quyết liệt hơn đối với các đơn vị trực thuộc Sở để người dân được tiếp cận và hiểu hơn về chính sách này, tránh tình trạng nhầm lẫn giữa chính sách này với chính sách khác; cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh; cần tiến hành thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại cơ sở nhằm phát hiện những bất cập, hạn chế để có hướng xử lý kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ; khảo sát điều kiện thực tế của từng địa phương để áp dụng các loại hình hỗ trợ phù hợp; tham mưu cho UBND tỉnh sơ, tổng kết đánh giá hiệu quả của chính sách sau 4 năm thực hiện./.
Tin, ảnh: Nguyễn Dung