Báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Lê Đình Tuyên – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, toàn tỉnh có 26.636 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 11.129 CBCCVC là người dân tộc thiểu số (chiếm 41,7%). Trong đó: Cơ quan cấp tỉnh: 2.065 người (đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm là 1.855 người, chiếm 89,8%). Cơ quan cấp huyện: 6.704 người ( đạt chuẩn ngạch vị trí và việc làm là 6.194 người, chiếm 92,4%). Cơ quan cấp xã: 2.360 người (đạt chuẩn về chuyên môn là 1.984 người, chiếm 84,1%). Sở Nội vụ đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và các quy định vê chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Tham mưu kịp thời các chương trình hành động và một số nghị quyết chuyên đề ở các ngành và lĩnh vực then chốt đã được ban hành, trong đó có kết luận về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và đặt ra nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số cả về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ, qua đó giúp trình độ của đội ngũ cán bộ trong tỉnh nói chung và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra một số hạn chế đề nghị Sở Nội vụ quan tâm, khắc phục trong thời gian tới như: Chế độ ưu đãi đối với cán bộ người dân tộc thiểu số học tập nâng cao trình độ, nhất là ở khu vực đặc biệt khó khăn chưa được chú trọng. Mặt khác, lực lượng cán bộ cấp cơ sở đông, yêu cầu phải được đào tạo nâng cao trình độ năng lực, trong khi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách rất thấp, không khuyến khích được cán bộ tích cực học tập nâng cao trình độ; Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, một số tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, công chức vào quy hoạch còn chung chung, chưa được cụ thể hóa; các khâu sau quy hoạch như kiểm tra, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công chức theo quy định thực hiện chưa chặt chẽ. Một số địa phương có tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số chưa phù hợp với tỷ lệ dân số, số sinh viên ra trường thất nghiệp cao,…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vừ Thị Liên – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho tỉnh những giải pháp trong quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng để đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Ngọc Quyên