|
Đối với Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Quốc hội khi ban hành Luật phải có các văn bản hướng dẫn đi kèm. Luật cần quy định chặt chẽ, rõ ràng việc phân bổ, thu chi ngân sách; giải thích rõ nghĩa một số quy định; có biểu khung quy định phí các dịch vụ. Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật loại bỏ, bổ sung một số từ ngữ để đảm bảo tính chặt chẽ của Luật. Việc giải ngân nguồn vốn hàng năm, nếu không thực hiện hết nguồn cần tạo cơ chế để các đơn vị, địa phương được thực hiện chuyển nguồn. Về việc quyết toán ngân sách Nhà nước, một số đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian quyết toán xuống còn 12 tháng, vì thực tế có nhiều công trình, dự án sau nhiều năm vẫn chưa quyết toán được gây bức xúc, lo ngại về tính minh bạch. Đại biểu cũng đề nghị Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) cần quy định rõ hơn việc được sử dụng nguồn vượt thu cho các địa phương, qua đó giúp địa phương tái đầu tư để duy trì nguồn thu, khuyến khích địa phương trong việc tập trung thu ngân sách.
Tham gia vào Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đã có nhiều ý kiến tập trung về một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ; nội dung kiểm toán, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng, tính pháp lý của báo cáo kiểm toán hiện nay chưa cao, các kiến nghị chỉ mang tính khuyến cáo, cho nên nhiều ý kiến thấy rằng cần cân nhắc coi báo cáo kiểm toán là một quyết định hành chính, tương tự như bản án của Toà án, đồng thời được coi là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Dự thảo Luật cần bổ sung các nội dung kiểm toán bao gồm: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động; căn cứ vào mục đích, quy mô, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, như vậy sẽ phù hợp với yêu cầu quản lý ngân sách Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lò Văn Muôn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp tham gia xây dựng Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), đồng thời tiếp thu, tổng hợp những ý kiến tham gia để chuyển đến cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII./.
Tuấn Trung - Đài PTTH tỉnh