Chính vì vậy, thời gian qua Quốc hội đã thông qua Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với công tác tiếp công dân, trong đó quy định một cách đầy đủ về các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ; Tổng cục và tổ chức tương đương; Cục; Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước; đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật;
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của người tiếp công dân; nguyên tắc tiếp công dân, quản lý công tác tiếp công dân, các hành vi bị nghiêm cấm, những trường hợp được từ chối tiếp công dân; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, Ban tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân...
Một thực tế hiện nay, việc phối, kết hợp giữa Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với địa phương; giữa Trụ sở tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng chưa chặt chẽ; ở một số nơi, việc tiếp công dân chưa gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, chưa gắn với việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xem xét, giải quyết của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do đó tình trạng gửi đơn vượt cấp, khiếu kiện đông người, vụ việc phức tạp kéo dài... còn khá phổ biến
Luật Tiếp công dân ra đời đã xây dựng một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, chặt chẽ, đảm bảo về tổ chức và hoạt động trong công tác tiếp công dân; nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc tiếp công dân; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Luật Tiếp công dân ra đời đã một lần nữa khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
Nguyễn Tiến Thành
Trưởng phòng Thông tin - Dân nguyện VP Đoàn ĐBQH - HĐND tinh