Nghiên cứu - Trao đổi  

Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND

Cập nhật ngày 11/11/2014 14:42:32 PM - Lượt xem: 256

Để thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, ngoài việc HĐND phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND cần bảo đảm để cơ quan dân cử địa phương có một cơ cấu, tổ chức bộ máy đủ mạnh, trong đó đại biểu chuyên trách được xem như là hạt nhân của bộ máy đó.


Theo Điều 52 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND tỉnh gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực (3 người). Trong đó, Chủ tịch HĐND có thể làm việc kiêm nhiệm, Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực phải hoạt động chuyên trách. Hiện nay có địa phương thì Bí thư cấp ủy, hoặc Phó bí thư cấp ủy kiêm giữ chức Chủ tịch HĐND, một số ít địa phương Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Quy định này chưa thật hợp lý, cần bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng số lượng thành viên Thường trực HĐND, đồng thời Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND phải hoạt động chuyên trách, nhằm lãnh đạo kịp thời các hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương toàn diện và sâu sắc hơn. Bỏ chức danh Ủy viên thường trực, bổ sung ít nhất 1 Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, trong đó cơ cấu có 1 Phó chủ tịch là Ủy viên Thường vụ tỉnh; 1 Phó chủ tịch HĐND là tỉnh ủy viên; bố trí các Trưởng ban và Chánh văn phòng là thành viên của Thường trực HĐND tỉnh. Có như vậy, trong thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, nhất là hoạt động giám sát, Thường trực HĐND mới có thực quyền và điều kiện thực hiện hiệu quả… Về địa vị pháp lý, nên coi Thường trực HĐND là một cơ quan đại diện cho HĐND có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ điều hòa phối hợp, quản lý trong hệ thống HĐND các cấp.

Về các ban của HĐND tỉnh, theo quy định hiện nay, mỗi ban chỉ có Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, các thành viên còn lại hoạt động kiêm nhiệm. Tuy nhiên, các đại biểu kiêm nhiệm phải tập trung vào công việc chuyên môn, dành rất ít thời gian cho hoạt động của đại biểu, do đó nhiệm vụ chủ yếu do Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban chuyên trách thực hiện. Để bảo đảm cho hoạt động, cần sửa Luật theo hướng Trưởng ban, Phó trưởng ban của HĐND tỉnh phải làm việc chuyên trách. Đối với HĐND cấp huyện, phải có Trưởng hoặc Phó ban hoạt động chuyên trách. Cần quy định có các ban HĐND cấp xã, có Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Mặt khác, cần hạn chế thành viên ban HĐND là cán bộ cơ quan hành chính, tiến tới không bố trí cán bộ trong cơ quan hành chính làm thành viên của ban.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu ở một số địa phương, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND tỉnh rất ít, có nơi chỉ có 5, 6 đại biểu. Với số lượng đại biểu chuyên trách như thế, HĐND không thể hoạt động thực sự hiệu quả. Thực tế, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 đều chưa quy định cụ thể số lượng đại biểu chuyên trách ở mỗi cấp HĐND. Hầu hết các địa phương, đối với HĐND cấp tỉnh, đại biểu chuyên trách chỉ gồm các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường trực, một vài đại biểu là Trưởng hoặc Phó chuyên trách các ban HĐND. Ở HĐND cấp huyện, đại biểu chuyên trách đa số chỉ các chức danh: Phó chủ tịch và Uỷ viên thường trực; có nơi bố trí thêm một hoặc hai Phó ban chuyên trách. Đa số Trưởng các ban HĐND cấp huyện đều hoạt động kiêm nhiệm. HĐND ở cấp xã, phường chỉ có Phó chủ tịch hoạt động chuyên trách. Trong khi đó, đại biểu HĐND kiêm nhiệm khó sắp xếp được thời gian tham gia hoạt động dân cử do phải đảm nhiệm công việc chuyên môn. Luật và Quy chế hoạt động của HĐND hiện cũng chưa đề cập đến các quy định về tổ chức sinh hoạt toàn thể đại biểu HĐND để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu; chưa quy định bắt buộc thời gian hoạt động ít nhất của đại biểu HĐND kiêm nhiệm, nên hoạt động của đại biểu nhiều nơi không đồng đều. Thực tế cho thấy, cần quy định cụ thể số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND theo hướng tăng lên; quy định cụ thể, rõ ràng về việc hạn chế tối đa các thành viên của UBND (trừ Chủ tịch UBND), Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cán bộ lãnh đạo TAND và VKSND tỉnh kiêm nhiệm đại biểu HĐND tỉnh.

Về Văn phòng tham mưu, giúp việc: căn cứ theo Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12, biên chế của Văn phòng nằm trong tổng thể biên chế hành chính của địa phương do UBND tỉnh phân bổ sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh. Tuy nhiên, mô hình tổ chức, bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách... hiện không thống nhất, do đó khó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ như mong muốn. Bên cạnh đó, muốn tuyển chọn cán bộ, công chức giỏi về công tác tại Văn phòng cũng rất khó khăn. Vai trò của bộ máy tham mưu, giúp việc này chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đánh giá, nhìn nhận vai trò, địa vị pháp lý đúng thực chất. Do đó phải tiếp tục kiện toàn Văn phòng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, phân công nhiệm vụ rõ ràng để phối hợp đồng bộ, tránh chồng chéo, khắc phục sự bất cập trong quản lý điều hành hoạt động của Văn phòng, phù hợp yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ trong giai đoạn hiện nay.

Công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ lãnh đạo, trong đó có cán bộ chuyên trách của cơ quan dân cử thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, tình trạng quy hoạch chưa kịp thời, thiếu sự ổn định dẫn đến khó khăn, bị động trong bố trí, sử dụng cán bộ, có lúc, có nơi vẫn diễn ra. Thực tế này cần sớm được khắc phục.

Để hoạt động của HĐND thực chất và hiệu quả rất cần một cơ cấu, tổ chức bộ máy đủ mạnh, trong đó đại biểu chuyên trách được xem như là hạt nhân của bộ máy đó. Đó phải thật sự là những người có tâm, có tầm, có năng lực thực tiễn mới có thể hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

(Theo daibieunhandan.vn)
 


Tin liên quan
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường
Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA HIẾN PHÁP 2013
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đại biểu HĐND tỉnh – huyện năm 2014