Thứ nhất, tôi xin hỏi ở dự thảo trước, Điều 1 cũng đã ghi như thế này. Điều 2 là đơn vị hành chính, tại khoản 3, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất mạnh dạn và rất đúng Hiến pháp, ghi đơn vị hành chính gồm cả các đơn vị như trong Hiến pháp ghi tại Điều 110, trong đó, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do QH thành lập. Trong dự thảo trình UBTVQH hôm nay, tôi thấy bỏ ra, không hiểu là thế nào. Tôi đề nghị xem lại, giải thích làm sao lại vậy? Trong Hiến pháp đã ghi, chúng ta thảo luận mãi mới ra dòng cuối cùng tại trang 58 của Hiến pháp: đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do QH thành lập. Nếu không ghi ở luật này thì ai lập?
Thứ hai, tôi hỏi đơn giản như người dân bình thường hỏi là hy sinh bao nhiêu xương máu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc để xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân, bây giờ ghi rõ là phải có giám sát quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đấy có giám sát. Phương thức giám sát như ý kiến anh K’sor Phước tôi đồng ý. Còn như dự thảo sẽ giải thích với dân như thế nào? Chúng ta cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả, ai cũng mong muốn như thế. Nhưng Hiến pháp quy định phải giám sát là giám sát quyền lực, nhân dân là chủ, dân giám sát, có cơ quan đại diện của dân chính là HĐND thực hiện nhiệm vụ giám sát của dân đối với bộ máy nhà nước. Đó là giám sát quyền lực.
Thứ ba, Lenin nói rằng với chính quyền Xô Viết là phải thống nhất. Quyền lực, quyền uy của bộ máy hành chính trong đặc trưng của nó chính là bảo đảm điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nguyên lý Nhà nước là thế, nhưng bây giờ lại bảo là cần cắt khúc ra, rồi lấy cái gọi là phòng hành chính thay cho chức năng chính quyền, tôi không hiểu. Nếu cứ tư duy thế này, không biết rồi mình còn...
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Không nên cứng nhắc là mô hình 3 cấp, 2 cấp thì mới phân biệt được đô thị với nông thôn…, quan trọng là ruột của nó như thế nào
HĐND là vấn đề rất phức tạp và cuộc tranh luận bắt đầu cách đây khoảng 10 năm, lúc đó mô hình đô thị phát triển tương đối rõ nét ở Việt Nam, cảm thấy giữa đô thị và nông thôn mô hình chính quyền chắc có lẽ cũng phải khác nhau, vì vậy mới quyết định làm thí điểm. Qua 10 năm thí điểm vẫn chưa thực sự cảm thấy yên tâm để có thể kết luận về mô hình thí điểm và đang còn cuộc tranh luận về mô hình đô thị và mô hình nông thôn.
Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, sau 5 năm bỏ 1 cấp HĐND thì họ bỏ luôn cấp hành chính. Cấp HĐND và cấp chính quyền là 2 cấp đi đôi với nhau như cặp đôi hoàn hảo và cũng thể hiện ở khoản 3, Điều 2 Hiến pháp về vấn đề kiểm soát quyền lực: vừa phân công, vừa phối hợp, vừa kiểm soát quyền lực thì tổ chức như thế nào.
Như thế để thấy đối với mô hình này nên cân nhắc. Mô hình Ủy ban Pháp luật trình là 3 cấp ở nông thôn và 2 cấp ở đô thị. Tôi thấy cũng có điểm khác biệt. Tuy nhiên, nếu hôm nay UBTVQH chốt một phương án nào thì tôi cũng chưa thực sự ủng hộ. Tôi đề nghị chọn 2 phương án trình ra QH để rộng đường tiếp tục thảo luận.
Phương án thứ nhất, tôi đề nghị dùng phương án 2 hiện nay vì đa số ĐBQH đã thảo luận cho ý kiến và nên tôn trọng ý kiến ĐBQH, theo đó mô hình tổ chức là: nơi nào có cấp chính quyền thì nơi đó có HĐND để kiểm soát quyền lực. Tôi nghĩ rằng cũng không nên cứng nhắc là mô hình 3 cấp, 2 cấp thì mới phân biệt được đô thị với nông thôn. Chúng ta phải tính toán tới nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp, phân quyền khác nhau giữa đô thị, nông thôn, chứ không phải chỉ là tổ chức mà giải quyết được vấn đề khác nhau giữa đô thị và nông thôn. Quan trọng hơn, ruột của nó là anh phân quyền cho nó, anh cho nó một nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Như ý kiến của anh Nguyễn Hạnh Phúc, phân biệt giữa phường và xã là đúng. Xã có nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác so với phường. Vì vậy, trong dự thảo Luật này từ Chương II tới Chương IX, chúng ta phải xử lý việc phân công thẩm quyền, quyền hạn, trách nhiệm khác nhau giữa mô hình phường và mô hình xã, làm rõ tính chất giữa đô thị và nông thôn cũng như giữa quận với huyện phải khác nhau. Bây giờ đang thảo luận mô hình, vì vậy chưa tập trung được từ Chương II tới Chương IX, là các chương liên quan tới nhiệm vụ và quyền hạn.
Phương án thứ hai, tôi đề nghị nên đưa ra 3 cấp ở nông thôn, 2 cấp đô thị, nhưng ở đô thị sử dụng quyền hạn của HĐND cấp quận, tăng quyền hạn lên để thực hiện kiểm soát quyền lực và Chủ tịch phường có thể theo một phương án đột phá, tức là do dân bầu. Như vậy, dân bầu ông thì ông phải chịu trách nhiệm trước dân. Và từng phường có đại diện của mình trên HĐND cấp quận và người ta thay mặt tập thể kiểm soát chính quyền cấp phường. Tôi đề nghị phương án 2 như vậy để rộng đường thảo luận. Bây giờ chốt liền phương án nào, dù đa số UBTVQH tán thành, tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Nên chốt 2 phương án và chuyển phương án như thế để tiếp tục thảo luận và phương án 1 chính là phương án tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH.
Tôi đề nghị từ Chương II đến Chương IX phải xử lý một thực tế, chúng ta đang bàn trên thực tế hoạt động của HĐND hiệu lực không cao, từ hiệu lực dẫn tới hiệu quả. Vì vậy, phải nghiên cứu toàn bộ hiệu lực của HĐND từ cấp tỉnh đến các cấp dưới để tiếp tục làm rõ thẩm quyền, hiệu lực và trong trách nhiệm phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực như thế nào. Chương II và Chương IX, tôi thấy mình chưa rà soát kỹ. Điều 22 nói trách nhiệm của HĐND đối với y tế thì có. Điều 32 nói tới trách nhiệm của UBND tỉnh đối với y tế là không có. Tức là đầu đề thì có, nhưng trong ruột thì không ghi một nội dung nào liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe.
Điều 57 HĐND cấp huyện quy định trùng lặp. Với HĐND cấp tỉnh cũng quy định biện pháp để tổ chức thực hiện các chính sách, HĐND huyện cũng biện pháp tổ chức thực hiện chính sách và HĐND xã, phường cũng vậy. Chỗ này đang lúng túng trong phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn. Vì vậy, tôi đề nghị tăng cường rà soát từ Chương II đến Chương IX để làm rõ phân định thẩm quyền, trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Quan điểm của tôi là, ở đâu có chính quyền nhân dân thì ở đó phải có HĐND - đó là thái độ dứt khoát
Tôi có 3 ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương:
Thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương, tôi theo quan điểm của phương án 2 là: ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có HĐND và UBND. Ở đây, một số ý kiến lập luận chỉ có đô thị từ cấp phường thì không có HĐND, nhưng thực tế hiện nay, cấp phường là một cấp quản lý rất nhiều vấn đề về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội... Quyền lực của các phường cũng rất lớn. Vậy ai sẽ giám sát việc thực hiện quyền lực này? HĐND cấp quận có đủ sức để giám sát việc thực thi các quyền lực này ở cấp phường hay không? Tình hình thu, chi, kinh tế, quan hệ với dân địa phương ở phường lớn hơn rất nhiều so với cấp xã. Sức mạnh của cấp phường thậm chí còn mạnh hơn cả cấp huyện. Không ở đâu khi có quyền lực lớn như thế mà không có một cơ quan giám sát. Ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có HĐND và UBND để HĐND giám sát việc thực thi quyền lực của UBND. Tôi lập luận lại vì anh K’sor Phước nói rằng, cấp phường nhỏ, bé. Vậy tại sao chúng ta để thị trấn có HĐND mà cấp phường lại không có? Như huyện Lục Yên, Yên Bái, không bằng 1 phường mà vẫn có HĐND trong khi các phường không có? Như thế là không thuyết phục. Quan điểm của tôi là, ở đâu có chính quyền nhân dân thì ở đó phải có HĐND. Đó là thái độ dứt khoát.
Thứ hai, dự thảo đưa ra những khái niệm như Phòng quản lý hành chính - tôi không hiểu là như thế nào. Nếu Ủy ban Hành chính thì nghe còn chấp nhận được. Bao nhiêu năm tổng kết về quản lý chính quyền địa phương, bây giờ lại đưa ra một khái niệm Phòng quản lý hành chính là một bước thụt lùi không thể chấp nhận được. Bao năm xây dựng chính quyền từ năm 1945 đến nay mà chúng ta lại đưa ra Phòng quản lý hành chính là một điều lạ kỳ các anh cũng đưa vào đây là không thể chấp nhận.
Thứ ba, về phân cấp nhiệm vụ, cứ na ná như nhau là rất khó. Chủ tịch QH bảo tôi, lần này anh Hiển phải bám vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương để sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Chúng tôi đang hy vọng Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được thông qua trước, sau đó mới đến Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), căn cứ vào sự phân cấp về quản lý kinh tế - xã hội để quyết định vấn đề ngân sách. Nhưng quy định như dự thảo Luật thế này thì lại giống nhau hết, không có gì để có thể xử lý được. Bây giờ, chi tiêu ngân sách của chính quyền địa phương có khác gì với việc chi tiêu của chính quyền Trung ương? Hiến pháp quy định: ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo và chi cho nhiệm vụ của quốc gia. Vậy nhiệm vụ của quốc gia với nhiệm vụ của địa phương khác nhau chỗ nào? - không phân định rõ. Tôi đọc nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh với cấp Trung ương giống nhau như hệt, không khác gì cả, cũng kinh tế, cũng chính trị, cũng văn hóa, cũng xã hội, thậm chí đến cấp xã cũng vậy. Lấy ví dụ đơn giản như vấn đề nghiên cứu khoa học. Bây giờ cấp tỉnh có nghiên cứu khoa học không hay chỉ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật thôi? Tôi nói thật cấp tỉnh không đủ sức để nghiên cứu khoa học, trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng. Cấp tỉnh chỉ ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Ở đây, cấp huyện cũng nghiên cứu khoa học, cũng ứng dụng như thế này thì không được.
Tôi chỉ lấy một câu chuyện như thế để nói rằng bây giờ chúng ta sẽ tính chính xác nhiệm vụ của từng cấp như thế nào? Tôi đề nghị, phải xác định lại quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Nếu nhiệm vụ cứ giống nhau như thế này, anh nào cũng giống anh nào thì sau này chúng ta quyết định vấn đề quyền lực của từng cấp như thế nào cũng rất khó. Khi nào các nhiệm vụ của từng cấp chính quyền rõ ràng rồi thì mới có thể thông qua được luật này, làm rõ được quyền hạn của từng cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Cùng một cấp chính quyền nhưng nơi có, nơi không có HĐND - giải thích kiểu gì cũng thấy không ổn
Tôi tán thành với đề nghị của Ủy ban Pháp luật về việc bổ sung vào dự thảo Luật một chương quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong chương này, cần quy định rành mạch, rõ về trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định thành lập, giải thể các đơn vị hành chính đặc biệt này. Đồng thời, phải xác định tổ chức chính quyền địa phương ở đây như thế nào trên tinh thần quy định chung của cả nước. Đối với vùng kinh tế đặc biệt thì chính quyền địa phương tổ chức giống những nơi khác như thế nào, những tổ chức chính quyền thông thường như thế nào? Phải quy định rành mạch, rõ ràng vấn đề này ngay trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tránh tình trạng khi có quy định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là thành lập tràn lan, ở đâu cũng là vùng kinh tế đặc biệt thì rất lãng phí.
Về mô hình chính quyền địa phương, chúng ta cũng bàn rất nhiều, cũng đã tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND ở một số nơi. Tôi tán thành với quan điểm như anh Phùng Quốc Hiển vừa nêu, tức là, ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND là cơ quan thay mặt dân giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Quyền lực ở phường, ở quận cũng không khác gì ở huyện, ở xã, cũng là một tổ chức chính quyền, cũng là thay mặt dân thực hiện các quy định của pháp luật. Vậy tại cấp xã thì có HĐND để giám sát hoạt động của chính quyền, còn ở cấp phường lại không có? Hơn nữa, việc này, chúng ta phải tính rất kỹ, tránh việc làm rối thêm tình hình. Chúng ta muốn tạo ra cái mới nhưng không hẳn cái mới đã tốt. Cái mới có thực sự tốt cho sự phát triển của đất nước hay không? - cần tính thật kỹ. Giả sử vấn đề này đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thử xem đại đa số nhân dân có đồng ý không? - Rõ ràng là có vấn đề. Cùng là một người dân, cùng một tổ chức chính quyền Nhà nước, một nơi có đại diện cho dân để giám sát hoạt động của chính quyền, một nơi không có - rõ ràng là không được. Giải thích kiểu gì thì giải thích, tôi nghĩ cũng không ổn.
Điều quan trọng hiện nay là, chúng ta phải giải thích được tại sao ở quận đó, huyện đó hoạt động của HĐND chưa phát huy được tác dụng? Do ràng buộc về pháp luật hay là chính con người ở đó chưa làm, hay các tổ chức khác lại làm việc thay cho HĐND? Chúng tôi nghĩ phải xem lại việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND như thế nào. Chúng ta sửa ngay như thế này chưa hẳn đã chín muồi.
Theo Đại biểu nhân dân