Nghiên cứu - Trao đổi  

Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời

Cập nhật ngày 21/01/2015 08:09:18 AM - Lượt xem: 256

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương...Dù đã qua thảo luận tại Quốc hội song tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình nào vẫn là vấn đề còn quan điểm rất trái chiều, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 20/1.


Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đưa ra hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Cấp chính quyền ở các phương án này được hiểu là gồm có cả hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.Theo phương án 1, ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã. Tại địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền ở thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương. Còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án 1, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết.
Phương án này cũng nhận được sự đồng tình của một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng ở địa bàn thành phố hội đồng nhân dân chỉ cần tổ chức đến quận. Chủ tịch phường có thể để dân bầu trực tiếp còn để giám sát quyền lực của ủy ban nhân dân phường có thể tăng số lượng đại biểu hội đồng nhân dân cấp trên.
Nghiêng về phương án hai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính –Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản ứng gay gắt với quy định cấp phường chỉ có phòng quản lý hành chính. Theo ông Hiển đây là bước thụt lùi không thể chấp nhận được. “Lạ kỳ thật, tôi thấy lạ kỳ khi đưa quy định đó vào dự thảo luật”, ông Hiển nhấn mạnh.
Thể hiện rõ quan điểm ở đâu có ủy ban nhân dân thì ở đó cần có hội đồng nhân dân, ông Hiển băn khoăn cấp phường hiện quản lý rất nhiều vấn đề và quyền lực rất lớn, liệu hội đồng nhân dân cấp quận có đủ sức giám sát không?
Phải rà lại nhiệm vụ quyền hạn của từng cấp, khi nào rõ ràng rồi thì mới thông qua được luật này, ông Hiển góp ý.
Nguyên tắc quyền lực phải bị giám sát nhưng không có nghĩa là phải có hội đồng nhân dân cùng cấp mới giám sát được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tranh luận.
Không có hội đồng nhân dân không có nghĩa là không giám sát và chính quyền cũng là của nhân dân, mỗi phương án đều có mặt này mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói thêm.
Vẫn thống nhất phương án 1 song Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng còn nhiều băn khoăn khi kết quả giám sát tại 11 tỉnh thành thì có 8 tỉnh thành đề nghị giữ mô hình như hiện tại, ở đâu có ủy ban nhân dân thì ở đó có hội đồng nhân dân.
Các ý kiến thảo luận tiếp theo vẫn chọn phương án khác nhau hoặc chưa yên tâm với cả hai phương án. Với đa số chọn phương án hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị chuyển phương án 2 thành phương án 1. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mô hình tổ chức chính quyền sẽ do Quốc hội lựa chọn, nhưng cần phân biệt rõ cấp chính quyền và chính quyền là khác nhau, đã là cấp chính quyền thì có cả hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Còn nếu quyết định ở đô thị chỉ có hai cấp chính quyền là thành phố và quận thì ở phường vẫn có thể có chính quyền, tức là có ủy ban nhưng không có hội đồng nhân dân.
Theo Chủ tịch cần mở rộng dân chủ, ở cấp phường có thể để dân bầu trực tiếp chủ tịch và cấp trên phê duyệt, còn ở xã hội đồng nhân dân bầu ủy ban nhân dân trên cơ sở lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân tại xã, dân tín nhiệm thì mới bầu.
Phát biểu với tư cách ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói, trong trường hợp không tổ chức hội đồng nhân dân phường, nểu để dân trực tiếp bầu chủ tịch phường và trực tiếp giám sát thì sẽ có tính thuyết phục cao. Dù không có hội đồng nhân dân thì ở phường vẫn gọi là ủy ban nhân dân chứ không gọi là phòng hay ủy ban hành chính, ông Bình giải thích thêm. Sẽ trình Trung ương và Quốc hội cả hai phương án, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói khi kết thúc phiên thảo luận.

Theo Báo Mới

 


Tin liên quan
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường
Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA HIẾN PHÁP 2013
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đại biểu HĐND tỉnh – huyện năm 2014