
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chủ trì phiên thảo luận
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình cao với các nội dung được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp, trong đó có nội dung đề nghị rà soát nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa dự thảo Luật với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi)... đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu cho biết khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 116 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15) thì Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 70% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng theo quy định nhưng không quá 250.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn...
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trình Quốc hội tại kỳ họp này không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Thanh tra Chính phủ và Chánh Thanh tra tỉnh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo hai dự thảo Luật thống nhất, làm rõ nội dung này và cung cấp thông tin cho ĐBQH.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Về lập biên bản vi phạm hành chính dự thảo Luật quy định “Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm thì biên bản cũng phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận vào khoản này.
Về gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành, đại biểu đề nghị quy định quyết định xử phạt vi phạm hành chính được coi là đã giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt nếu hết thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi lần thứ ba qua dịch vụ bưu chính bằng hình thức bảo đảm mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận./.
Tin, ảnh: Mai Hồng