Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong sửa đổi Luật Quy hoạch

Cập nhật ngày 10/05/2025 19:44:32 PM - Lượt xem: 62

Chiều nay (10/5), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, giải trình và làm rõ thêm sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật này.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Dự thảo Luật quy định theo hướng phân cấp mạnh thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch. Dự thảo Luật cũng quy định cho phép các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được lập đồng thời với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch các cấp chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia phiên thảo luận tổ

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là vấn đề cấp bách vì Việt Nam đã bị FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) đưa vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) vào ngày 30/6/2023.

Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nghiên cứu của IMF, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu đô la Mỹ tùy thuộc quy mô nền kinh tế.

Tháng 05/2025 là hạn cuối cùng Việt Nam phải xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân nhằm khẳng định sự cam kết của Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận 

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phân tích, theo tính toán thì cứ tăng trưởng 1% GDP thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Do vậy, trong bối cảnh nguồn cung ứng điện năng cho nền kinh tế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng kỹ thuật điện năng chưa hiện đại, tỷ lệ tổn thất điện năng lớn... thì việc Nhà nước ban hành các chính sách và quy định cụ thể để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là hết sức cần thiết.

Đại biểu nhất trí với chủ trương bổ sung quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị đưa nội dung này về Điều 7 quy định thống kê về sử dụng năng lượng thay vì quy định tại Điều 5 vì đây không phải là chính sách của Nhà nước, đồng thời cần làm rõ hơn tính khả thi và lộ trình áp dụng quy định này trong thực tiễn.

Đại biểu cũng nhất trí với quy định phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thay vì quy định giao Thủ tướng Chính phủ như hiện nay. Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh một năm một lần sẽ xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và gửi Bộ Công thương tổng hợp.

Góp ý thêm, đại biểu đề nghị bỏ khoản 6 Điều 45 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hiện hành, quy định trách nhiệm của Bộ Công thương về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đề nghị bổ sung, chuyển nội dung này cho Thanh tra Chính phủ để phù hợp với chủ trương kết thúc hoạt động của Thanh tra các bộ tại Kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật
Đề nghị ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin vùng khó khăn
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV – Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử
QUỐC HỘI CÔNG BỐ KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI 44 NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XV
Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV
Bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Việc giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh