Tin tức & sự kiện  

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Cập nhật ngày 10/04/2024 11:25:24 AM - Lượt xem: 256

Sáng 10/4, tiếp tục thực hiện chương trình khảo sát tại tỉnh Điện Biên, Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo. Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia Đoàn khảo sát.


Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu chủ trì buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện tại tỉnh Điện Biên có 12 đơn vị có tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm 03 Trường Cao đẳng và 09 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao về chất lượng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần khẳng định vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp từng bước được điều chỉnh, bổ sung và thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn một số hạn chế như: chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng, chưa thu hút được nhân tài, người có kỹ năng quản lý và kinh nghiệm vào làm việc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; chưa thu hút được đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao như nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp... tham gia đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp; chưa có chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có cơ quan chuyên trách đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Trong đó, Luật Nhà giáo cần thiết phải có các quy định về đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cần quy định chính sách hỗ trợ, thu hút người giỏi tham gia đào tạo để trở thành nhà giáo; quy định cụ thể chế độ đãi ngộ, ưu đãi, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực đặc thù, nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; nhà giáo tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật, người dạy nghề tại doanh nghiệp. Ngoài ra cần có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút nghệ nhân, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động giỏi... vào làm việc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Vũ Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, giải trình các nội dung theo yêu cầu của Đoàn khảo sát

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao đổi, làm rõ một số thông tin về tuyển dụng giáo viên trong giáo dục nghề nghiệp; quy định về chuẩn đào tạo, các chứng chỉ đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp; vị trí việc làm, chế độ, chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáp dục thường xuyên cấp huyện có khó khăn, vướng mắc gì; việc phân luồng, tuyển sinh đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng thực hiện chủ trương phân luồng học sinh vào học nghề; là một mắt xích trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần và nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao trong phát triển đất nước. Nhấn mạnh điều này, thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và cả những trăn trở của đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những thông tin hữu ích từ cuộc làm việc sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để phục vụ các hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian tới, trong đó có việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và xây dựng chính sách, pháp luật đối với nhà giáo, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giáo dục nghề nghiệp, cả công lập và ngoài công lập./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Giám sát việc thực hiện giao đất giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại huyện Điện Biên
Đoàn giám sát làm việc với Công an tỉnh, Sở GTVT và thường trực Ban ATGT tỉnh
Mường Ảng gặp mặt, đối thoại với Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ dân phố năm 2024
Giám sát việc giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Điện Biên Đông
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 tại Thị xã Mường Lay
Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề trên địa bàn huyện Mường Nhé
Giám sát việc thực hiện giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ Môi trường tại Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé
Khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2024
Đoàn công tác tỉnh Nghệ An thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên