Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm việc với huyện Điện Biên
Mục đích Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo để phục vụ cho xây dựng và thẩm tra dự án Luật Nhà giáo; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 tuổi đến 5 tuổi để nắm bắt thực trạng, phục vụ công tác thẩm tra Đề án của Chính phủ về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 tuổi đến 5 tuổi.
Qua báo cáo của huyện Điện Biên cho thấy, việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo còn nhiều bất cập như: hệ thống văn bản pháp luật về nhà giáo hiện nay chưa quy định rõ ràng vị thế của nhà giáo, còn chung với loại hình viên chức khác, chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo hiện nay chưa thu hút được người giỏi phấn đấu trở thành nhà giáo, chưa tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cống hiến, tận tâm với nghề nghiệp... Huyện Điện Biên đề nghị, cần quy định cụ thể người làm ở vị trí việc làm nào thì được coi là nhà giáo; quy định chính sách tiền lương, phụ cấp và phúc lợi khác đối với nhà giáo phù hợp với từng vùng, miền, đảm bảo cuộc sống cho nhà giáo để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại trường mầm non Số 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên
Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 tuổi đến 5 tuổi, huyện Điện Biên với đặc thù địa bàn rộng, giao thông đi lại tới nhiều điểm trường còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa; dân cư phân bố không đồng đều, xa trường học, xa trung tâm xã; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Cơ sở vật chất các trường tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng song vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ; kinh phí chi cho công tác đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trường còn hạn chế; nhiều phòng học, phòng chức năng, phòng công vụ, được xây dựng từ lâu đã dần xuống cấp, diện tích hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng giáo viên, nhân viên còn thiếu so với định mức. Chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non thấp. Chế độ hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mầm non chưa phù hợp với giá cả thị trường, chưa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ... Huyện Điện Biên đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 65/2021/TT-BTC, cho phép các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo sử dụng ngân sách trích từ chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng học, phòng chức năng đáp ứng yêu cầu dạy và học; bổ sung đủ biên chế giáo viên, nhân viên mầm non đảm bảo theo Quy định Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ và phù hợp với giá cả thị trường; có chính sách hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ như trẻ mẫu giáo; tăng lương cho giáo viên mầm non để tương xứng với đặc thù của cấp học; có chế độ hỗ trợ trông trưa cho giáo viên mầm non, chế độ hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn ở tất cả các trường mầm non có tổ chức nấu ăn bán trú...
Đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của huyện Điện Biên đối với giáo dục; sự nỗ lực của thầy cô giáo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc làm việc đã cung cấp cho Đoàn khảo sát nhiều thông tin hữu ích về thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ mầm non trên địa bàn. Những kiến nghị, đề xuất của giáo viên, lãnh đạo địa phương sẽ được Đoàn ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu đưa vào báo cáo khảo sát, cũng như trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan thời gian tới./.
Tin, ảnh: Mai Hồng - Thu Trang