Đại biểu Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao với các nội dung được đánh giá trong Báo cáo giám sát số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn Giám sát; báo cáo đã phản ánh đầy đủ về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình trong thực tiễn; những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ rõ; những kiến nghị, đề xuất của các địa phương đã được ghi nhận, đồng tình với đề xuất “Giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025” và 07 nội dung Chính phủ trình Quốc hội trong Tờ trình số 557/TTr-CP ngày 16/10/2023 của Chính phủ ...
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội chấp thuận cơ chế cho phép các địa phương sử dụng giống cây trồng, vật nuôi theo hướng: “Cho phép đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc, sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế, kỹ thuật của tỉnh ban hành. Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án sẽ thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng”.
Về nguồn vốn sự nghiệp, đại biểu thẳng thắn đánh giá: việc giao vốn sự nghiệp của CTMTQG có nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, tổ chức thực hiện có nhiều khó khăn vướng mắc; các địa phương không phải không muốn làm mà không thể làm được vì cơ sở pháp lý không chắc chắn, nếu cứ làm thì hậu quả về mặt pháp lý là có khả năng dẫn đến rủi ro cho người thi hành công vụ, dẫn đến kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt thấp.
Đến thời điểm này, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đã hoàn thiện, nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tại kỳ họp thứ Sáu này, sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Như vậy, việc thu hồi vốn là không hợp lý, không nhân văn, sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, miền núi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn sự nghiệp của CTMTQG đến hết giai đoạn, hoặc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024 bao gồm cả kế hoạch vốn của năm 2022 chuyển sang năm 2023./.
Tin, ảnh: Đỗ Dung