Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 05 chương với 34 điều, bổ sung Điều 2 (giải thích từ ngữ) để làm rõ khái niệm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân. Chỉnh lý vị trí, chức năng tại Điều 3 để thể hiện rõ hơn đây là lực lượng quần chúng được bố trí ở cơ sở, có chức năng làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Chỉnh lý Điều 4, Điều 5, Chương II và Mục 1 Chương III để làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn phụ trách; chỉnh lý Điều 14 để thể hiện rõ lực lượng này được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn mới theo quy định của Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình thực tế hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, nhất là ở cơ sở. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên), nhất trí với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Dự thảo Luật điều chỉnh lực lượng tham gia hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc, gồm 03 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng. Mục đích của việc kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng gọi là Tổ bảo vệ ANTT, trong đó Tổ trưởng, Tổ phó đảm nhiệm “hai vai” (vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, vừa thực hiện nhiệm vụ dân phòng) để không làm tăng biên chế, kinh phí so với hiện nay.
Về tiêu chuẩn độ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định: “Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có nguyện vọng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có các tiêu chuẩn sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:..”; đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về độ tuổi tối đa.
Về chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mối quan hệ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, UBND cấp xã, Công an cấp xã đối với lực lượng này. Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị bổ sung quyền hạn cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật quy định: “Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh), đề nghị bổ sung quy định mức hỗ trợ tối thiểu theo mức lương cơ sở để HĐND có cơ sở xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời khuyến khích người dân tham gia lực lượng này./.
Tin, ảnh: Ngọc Tiên