Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Điện Biên
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong bối cảnh tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức (dịch bệnh, giá nguyên vật liệu, thiên tai...), song được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ, hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, sau hơn hai năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,19% (vượt mục tiêu đề ra) là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2010-2022, đứng thứ 2/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.559 tỷ đồng, đạt 151,36% dự toán Trung ương giao, là năm thứ hai thu ngân sách địa phương đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh - thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Một số chỉ tiêu liên quan đến các chương trình đạt kết quả nổi bật như: Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm, tăng 11,87% so với năm 2021; Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đến năm 2022 còn 30,35% (giảm 4,55% so với năm 2021); Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 44,41% (giảm 6,24% so với năm 2021); Đến hết năm 2022 tỉnh Điện Biên có 21/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03/115 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 40/115 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 22/115 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt 13,07 tiêu chí/xã; có 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cũng còn một số hạn chế như: Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 còn chậm; Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp; Một số nội dung, dự án đến nay chưa được triển khai thực hiện; Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Nếu không được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì nhiều khả năng sẽ có những chỉ tiêu không đạt kế hoạch; Việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được triển khai thực hiện, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa bền vững…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Với xuất phát điểm rất khó khăn, song việc triển khai các chương trình đã đạt được kết quả nhất định.
Đoàn giám sát của Quốc hội tặng quà cho các hộ nghèo tỉnh Điện Biên
Ngoài những nội dung đã được nêu trong báo cáo, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Điện Biên báo cáo, đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Về khả năng giải ngân nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; Việc lồng ghép vốn và huy động nguồn lực xã hội hoá để triển khai các chương trình; Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; Về kết quả trả lời 339 kiến nghị của địa phương được tổng hợp trong Công điện 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 của các bộ, ngàng Trung ương có giúp giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các địa phương hay không…
Các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát đã được đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên giải trình, làm rõ.
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội đã trao tặng 30 suất quà cho 30 hộ nghèo trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, mỗi suất quà trị giá 1.200.000 đồng./.
Tin, ảnh: Mai Hồng